Lọc tìm cơ hội đầu tư quý IV

Lọc tìm cơ hội đầu tư quý IV

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường Việt Nam được định vị ở vùng giá hợp lý với mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội (16,1%). Trong đó, những ngành có triển vọng phục hồi tích cực sau đại dịch sẽ là cơ hội đầu tư tốt cho quý IV và xa hơn.

Tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn

Với việc dịch bệnh dần được kiểm soát và tỷ lệ phủ mũi tiêm thứ 2 tại các thành phố lớn tiến tới trên 90% khi vắc-xin về nhiều trong các tháng cuối năm, việc nới lỏng giãn cách đang diễn ra một cách thận trọng.

Đồng thời, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu 4%, tạo dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được mong đợi sẽ kích hoạt một quá trình hồi phục kinh tế mới.

Mặc dù vậy, ảnh hưởng đến nền kinh tế của làn sóng Covid-19 vẫn còn kéo dài khiến các tỉnh, thành phố chưa thể quay trở lại hoạt động giao thương bình thường và xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể khiến triển vọng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn khó bứt phá mạnh.

Khi số ca nhiễm vẫn đang duy trì ở mức cao, đồng thời thị trường chứng khoán cần thêm các phiên xác nhận xu hướng, chỉ số VN-Index có thể vận động theo hai kịch bản sau:

Kịch bản 1, định hướng và lộ trình mở cửa lại nền kinh tế được Chính phủ cụ thể hóa, tâm lý nhà đầu tư lạc quan, nhịp điều chỉnh được xác nhận kết thúc. Khi đó, mục tiêu tiếp theo của chỉ số VN-Index là 1.410 – 1.440 điểm. Tín hiệu để kịch bản này diễn ra là chỉ số VN30 hoặc phần lớn các cổ phiếu vốn hóa trụ cột thu hút dòng tiền trở lại sau các tín hiệu cân bằng trong những phiên gần đây.

Kịch bản 2, lộ trình mở cửa lại nền kinh tế không như dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư do rủi ro kéo dài, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận kém. Chỉ số VN-Index có thể quay lại trạng thái điều chỉnh với vùng hỗ trợ 1.310 - 1.370 điểm và tích lũy hồi phục trở lại.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng về cả chất và lượng, với sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư trong nước. Tổng giá trị giao dịch trung bình 9 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 20.800 tỷ đồng/phiên, tương ứng tăng 294% so với cùng kỳ năm 2020.

Thanh khoản tăng vọt nhờ sự tham gia mới của nhà đầu tư nội, với hơn 957.000 tài khoản được mở mới.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán, với tổng giá trị bán ròng 8.003 tỷ đồng. Khối ngoại gia tăng quy mô bán ròng trong tháng 9 do tình hình khó lường của dịch bệnh.

Tuy nhiên, vai trò của nhà đầu tư nội đang trở nên quan trọng hơn nên hoạt động mua/bán của khối ngoại ít ảnh hưởng tới xu hướng chung cũng như thị giá của các cổ phiếu trong Top giao dịch.

Những ngành đáng chú ý

Thị trường Việt Nam được định vị ở vùng định giá hợp lý, với mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội (16,1%). Nhiều ngành có triển vọng tích cực trong quý IV, thậm chí dài hạn hơn.

Ngành dầu khí

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh và gần đạt mức cao nhất trong hơn 5 năm qua nhờ triển vọng nhu cầu tăng lên khi các nền kinh tế tái mở cửa sau khi chiến dịch tiêm vắc-xin mang lại hiệu quả tốt, cùng với đó là nguồn cung được kiểm soát khi nhóm OPEC+ khó có thể tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm.

Theo OPEC, tổng nhu cầu dầu toàn cầu ước tính sẽ tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày lên 96,6 triệu thùng/ngày trong quý cuối năm 2021.

Vào năm 2022, nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với 2021 và tổng nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ vượt qua 100 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2022 và đạt mức trung bình 99,9 triệu thùng/ngày cho năm 2022. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ bắt đầu nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ.

Hoạt động của các doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết trên sàn chứng khoán hưởng lợi khi giá dầu tăng. Nhóm doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS, PVD) đang có triển vọng sáng khi các dự án đầu tư dầu khí được đẩy nhanh trở lại. Nhóm các doanh nghiệp trung và hạ nguồn (PVT, GAS, BSR, PLX...) được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng.

Triển vọng kinh doanh 3 tháng cuối năm 2021 của doanh nghiệp dầu khí cơ bản hồi phục tích cực trở lại sau giai đoạn giãn cách.

Ngành bất động sản

Thị trường bất động sản nhà ở sẽ hồi phục tích cực trong quý IV/2021 sau khoảng thời gian giãn cách kéo dài trong quý III/2021. Lãi suất cho vay bất động sản vẫn sẽ tiếp tục duy trì ổn định, nhằm kích cầu nhu cầu bất động sản.

Một động lực lớn cho thị trường bất động sản đến từ việc Chính phủ đang có các động thái quyết liệt hơn thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục.

Bất động sản khu công nghiệp

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp sẽ tích cực hơn trong quý IV/2021, khi mà tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh sẽ giúp nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy của bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trong bối cảnh Việt Nam đang là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng của 54 thị trường tại 21 quốc gia với chi phí nhân công và năng lượng đều ở mức thấp

Ngành ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ phát sinh sau thời gian quy định theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Điều này sẽ làm giúp giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng và giúp cho chất lượng tài sản phần nào được cải thiện.

Là điểm sáng về lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh, lợi nhuận của ngành ngân hàng nhìn chung được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng hai con số trong năm 2021, nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm.

Ngành phân bón

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, giá phân bón tăng vọt trung bình từ 60 - 80%. World Bank dự báo, giá phân bón thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng tới, thậm chí có thể tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm 2021.

Đối với phân urê, nguồn cung trên thế giới sẽ giảm trong những tháng tới do có nhiều nhà máy phải bảo dưỡng và Trung Quốc hiện đang gia hạn tạm ngừng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa…

Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón như giá khí, giá lưu huỳnh,.. vẫn ở mức cao. Giá cước vận tải quốc tế leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá phân bón khó giảm trong thời điểm hiện tại cũng như trong một vài tháng tới.

Ngành thủy sản

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,5 tỷ USD, dù cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát quý III/2021 (tính riêng tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ).

Ngành thủy sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng sẽ hồi phục trong quý IV/2021 do đây là ngành có tính chu kỳ và xuất khẩu sẽ duy trì ở mức cao trong quý cuối năm. Ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại sẽ tiếp tục là động lực với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Ngành điện

Nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo là sẽ phục hồi trong quý IV sau khi giảm mạnh ở quý II và quý III do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Khu vực phía Nam dự kiến sẽ có nhu cầu tăng vọt do có nhiều cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu khôi phục sản xuất.

Ngành bán lẻ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã giảm trong 4 tháng liên tiếp từ tháng 5 tới tháng 8 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau khi kết thúc giãn cách hoàn toàn vào quý IV, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén nhiều tháng qua sẽ bùng nổ. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nhiều dịp lễ cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy mua sắm và chi tiêu.

Các ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống sẽ hồi phục nhanh sau khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ. Trong khi đó, các mặt hàng xa xỉ như trang sức, đồng hồ không được đánh giá cao do thu nhập của người dân giảm dẫn tới nhu cầu với những mặt hàng này cũng suy giảm tương ứng.

Chúng tôi đánh giá cao triển vọng của các doanh nghiệp phân phối ngành hàng ICT khi người dân đang hình thành thói quen sử dụng các thiết bị có kết nối Internet ngày một nhiều hơn.

Theo dự báo của IDC - Hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, đầu tư vào chuyển đổi số vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023.

Dự kiến, lĩnh vực này sẽ đạt 6.800 tỷ USD, khi nhiều công ty đang tận dụng các chiến lược đầu tư hiện có với sự trợ giúp của công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai.

Đối với ngành công nghệ thông tin và ngành viễn thông, dịch bệnh tạo ra thách thức nhưng cũng đem đến những cơ hội. Doanh nghiệp ngành này đã nhanh nhạy nắm bắt để vươn lên và phát triển bền vững.

Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Tin bài liên quan