Công tác tối ưu đạt nhiều thành công
Phải nói rằng, công tác tối ưu tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân của Công ty nghiên cứu áp dụng nhiều năm nay. Trong 6 tháng đầu năm, giá dầu thế giới có xu hướng tăng, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 nên công tác này được đẩy mạnh nhằm tận dụng các cơ hội gia tăng lợi nhuận cho Công ty.
Nhà máy đang vận hành ở 105% công suất thiết kế, nhiều phân xưởng vận hành ở mức cao. Bên cạnh đó, BSR cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm chế biến thành công 6 loại dầu thô mới, qua đó giúp Công ty mở rộng thêm rổ dầu, chủ động và linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các nguồn dầu thô có giá cả cạnh tranh, sản lượng cao, chất lượng ổn định cho Nhà máy.
Công tác tối ưu hóa năng lượng cũng đạt kết quả khả quan, chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng EII của Nhà máy 6 tháng đạt 103,6%. Đã có 7 giải pháp năng lượng được thử nghiệm, áp dụng, mang lại giá trị trên 23 tỷ đồng. Trong đó, giải pháp dừng một bơm nước biển đã giúp tiết giảm điện năng trên 1,5 MWh.
Dấu ấn nổi bật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của BSR 6 tháng qua là việc nghiên cứu và sản xuất thành công 4 sản phẩm PP mới: T3045, Homo PP Yarn T3050, I3085 và I3150. Các sản phẩm này có tính cạnh tranh cao, giá thành tốt, được khách hàng ưa chuộng.
Ông Lê Hải Tuấn, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển BSR chia sẻ, đầu tháng 4/2021, đội ngũ kỹ sư BSR đã hoàn thành công tác thử nghiệm, đánh giá khả năng vận hành của phân xưởng PP ở 115% công suất thiết kế mà không cần các cải hoán thiết bị công nghệ.
Sáng kiến cải tiến này làm lợi cho Công ty hơn 70 tỷ đồng/năm; đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm PP ở thị trường trong nước, giúp các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong sản xuất.
Trước đó, sáng kiến “Tối đa công suất cụm phân xưởng Naphtha để tăng khả năng sản xuất xăng và tăng tính linh động chế biến các loại dầu thô nhập ngoại tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất” đã được đưa vào ứng dụng, mang lại hiệu quả 15 triệu USD/năm. Sáng kiến này giúp tăng sản lượng sản phẩm xăng, đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, đồng thời làm tăng tính linh động chế biến các loại dầu thô nhập ngoại giàu Naphtha trong điều kiện sản lượng dầu thô nội địa (dầu Bạch Hổ và các dầu tương đương) ngày càng giảm.
Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng bền vững
Ngoài vai trò quan trọng của công tác quản trị doanh nghiệp và sáng kiến - cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thì kết quả lợi nhuận tích cực trong nửa đầu năm 2021 của BSR còn có sự đóng góp của điều kiện thị trường thuận lợi hơn.
Cụ thể, crack margin (chênh lệch giá) của các mặt hàng trong tháng 5 và 6 đã có sự cải thiện rõ rệt.
Chẳng hạn, Crack DO vào tháng 3 và tháng 4 còn âm 0,04 và 0,03 USD/thùng thì tháng 5 và tháng 6 đã tăng lên 0,23 và 1,04 USD/thùng. Crack Mogas A95 duy trì 11,13 USD và 11,71 USD/thùng; Mogas A92 duy trì 9,23 - 10,13 USD/thùng.
Mặt hàng Jet A1 tăng từ 0,74 USD/thùng hồi tháng 3 lên 1,75 USD/thùng vào tháng 4 và lên 2,74 USD vào tháng 5 và đạt 3,21 USD vào tháng 6.
Với kết quả đạt 49.379 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 3.580 tỷ đồng, BSR đã đạt 53% kế hoạch sản lượng, đạt 70% về doanh thu và gấp 4,1 lần kế hoạch lợi nhuận năm.
Hiện giá dầu thô duy trì trên 70 USD/thùng. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu thậm chí sẽ đạt 80 USD/thùng trong năm nay. Đây là cơ sở để kỳ vọng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (crack spread) của BSR tiếp tục cải thiện, yếu tố chính đóng góp vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dù vậy, trước biến động phức tạp của dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp toàn cầu, BSR cũng đặt ra nhiều kịch bản để luôn chủ động trong mọi tình huống, quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, dù bất kể hoàn cảnh nào cũng duy trì Nhà máy hoạt động an toàn, ổn định.
BSR đã kích hoạt phương án phòng, chống dịch cấp độ cao nhất và đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho nhân sự trực tiếp vận hành nhà máy trong vòng 2 tháng qua và tiếp tục duy trì đến khi dịch bệnh được kiểm soát.