Fintech cần thỏa mãn nhiều điều kiện để được áp dụng cơ chế sandbox
Đã trình Thủ tướng Đề án Sandbox và cơ chế quản lý cho vay ngang hàng
Tại Hội thảo Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) được cơ quan này trình dự thảo Đề án tới Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2019.
Sandbox là cơ chế thử nghiệm được thiết lập bởi các cơ quan quản lý, trong đó cho phép các công ty khởi nghiệp fintech và tổ chức đổi mới sáng tạo khác được thực hiện thử nghiệm trực tiếp các dịch vụ trong môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý. Đối tượng được áp dụng cơ chế sandbox cũng đồng thời phải chịu sự giám sát và triển khai trong phạm vi và thời gian hữu hạn.
Thực tế, sandbox là một trong 7 hướng tiếp cận công cụ quản lý đối với hoạt động fintech hiện nay. Anh là nước đầu tiên thực hiện mô hình này từ năm 2016 và hiện có 30 quốc gia khác cũng đang áp dụng. Dù hiệu quả đến đâu còn cần thời gian đánh giá, ông Sơn nhận định, đây là cách tiếp cận vừa đáp ứng hài hòa quản lý nhà nước vừa thúc đẩy phát triển dịch vụ, sản phẩm mới.
Một số hướng tiếp cận của cơ quan quản lý các quốc gia theo Ngân hàng thế giới (WB) còn gồm cơ chế hoàn toàn không can thiệp như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một hệ quả xấu đang đến là việc hàng loạt công ty bị phá sản.
Một mô hình tiếp cận khác là thí điểm triển khai trên phạm vi rộng sau đó đánh giá, mô hình miễn trừ.
Hay ở một số quốc gia, cơ quan quản lý phát hành thư không phản đối sau một thời gian dịch vụ mới đi vào hoạt động. Một số nước ban hành luật của Fintech hay sửa đổi quy định hiện hành để đáp ứng sự thay đổi của công nghệ.
Còn tại Việt Nam, ông Sơn cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng đã áp dụng 3 cách tiếp cận. Ngoài mô hình sandbox đang trình, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thí điểm thu hộ, chi hộ, nộp và rút tiền mặt tại đại lý.
Đây là một ví dụ hướng tiếp cận thí điểm – triển khai. Việc sửa đổi quy định cũng đang được thực hiện đối với vấn đề về eKYC. Quy định khách hàng phải đến xác nhận danh tính trong lần giao dịch đầu tiên nằm trong quy định về phòng chống rửa tiền, hiện đang trình sửa đổi.
Loạt điều kiện cho Fintech để được áp dụng cơ chế Sandbox
Thông tin các nội dung cơ bản dự kiến của cơ chế quản lý thử nghiệm theo bản Đề án đang trình, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết phạm vi điều chỉnh của Đề án sẽ là các mô hình/ giải pháp Fintech được tổ chức Fintech không phải là ngân hàng trực tiếp cung ứng và giải pháp công nghệ được ứng dụng hoặc hỗ trợ trong các hoạt động ngân hàng được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Các đối tượng điều chỉnh bao gồm tổ chức tín dụng khi có các giải pháp mới, doanh nghiệp fintech hợp tác với tổ chức tín dụng và các Fintech.
Tại Việt Nam, hiện đã có 150 doanh nghiệp fintech hoạt động, trong đó 31 công ty hoạt động cho lĩnh vực thanh toán. Ngoài ra, các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài chính cá nhân, giải pháp blockchain.
Tuy nhiên, để được tham gia áp dụng cơ chế sandbox, không phải fintech nào cũng được áp dụng mà cần thỏa mãn 4 điều kiện.
Cụ thể, đây phải là giải pháp fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao. Một điều kiện quan trọng khác là giải pháp được thiết kế quản lý rủi ro tốt; có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm.
Ngoài ra, giải pháp phải được công ty fintech hoặc tổ chức thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích; là giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm. Yêu cầu khác nữa đây phải là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.
Tại Quyết định 999 phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước được giao ba nhiệm vụ chính, bao gồm:
- Xây dựng quy định các giao dịch thanh toán xuyên biên giới thông qua cổng thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Phối hợp với các bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới được các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp từ bên ngoài lãnh thổ vào Việt Nam.
- Nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong hoạt động ngân hàng.
- Nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.