Cụ thể, trong thông báo ngày 9/4/2021, PJICO cho biết, đối với các khách hàng tham gia bảo hiểm TC Care từ ngày 1/6/2020 đến ngày 31/10/2020 và đã phát sinh hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm, PJICO sẽ bổ sung các cơ sở y tế không được chi trả bảo hiểm, bao gồm các bệnh viện Nhi Trung ương (Khoa quốc tế/khoa yêu cầu), Vinmec, Tâm Anh, Việt Pháp, Hồng Ngọc, Thu Cúc… Điều này có nghĩa, khi người được bảo hiểm thăm khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế này sẽ không thuộc trách nhiệm bảo hiểm của PJICO. Đồng thời, áp dụng mức đồng chi trả 50%, tức là nhà bảo hiểm sẽ chỉ chi trả 50% chi phí khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế hợp pháp còn lại (trong khi trước đây trả 100% - PV). Thời gian áp dụng đối với người được bảo hiểm có ngày điều trị từ 0 giờ 00 ngày 10/4/2021.
Trong trường hợp chưa phát sinh hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm, PJICO cũng sẽ không chi trả bảo hiểm đối với những khách hàng muốn điều trị tại các bệnh viện nêu trên. Thời gian áp dụng đối với người được bảo hiểm có ngày điều trị từ 0 giờ 00 ngày 15/4/2021.
Lý giải cho động thái bất ngờ này, đại diện PJICO cho biết, giống như các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khác trên thị trường, sản phẩm TC Care cũng có tổn thất cao, trong khi khách hàng thường muốn hưởng dịch vụ ở các bệnh viện có chất lượng tốt với mức phí bảo hiểm rẻ. Do đó, PJICO quyết định thay đổi chính sách theo hướng giảm bớt các bệnh viện có chi phí cao, đồng thời áp dụng mức đồng chi trả 50% nhằm hạn chế rủi ro thua lỗ (đối với sản phẩm phân phối bởi TC Group).
Còn đại diện đơn vị phân phối TC Group - bà Chu Thị Kim Anh, Phó tổng giám đốc kinh doanh cho hay, theo pháp luật bảo hiểm, cả người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đều có quyền đơn phương hủy hợp đồng khi nhận thấy rủi ro chi trả bảo hiểm quá lớn ngay cả khi hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, cho nên việc nhà bảo hiểm dừng hợp đồng và chi trả phần phí bảo hiểm còn lại cho khách hàng không trái luật. Tương tự, nhà bảo hiểm cũng có quyền từ chối chi trả một số bệnh viện và cơ sở y tế có chi phí lớn, nên việc đưa ra danh sách các cơ sở y tế bị loại trừ là hợp lý.
TC Group cũng đưa ra hướng giải quyết là nếu khách hàng có nhu cầu tham gia các gói bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ khác, TC Group sẽ giảm 50% phí bảo hiểm nhân thọ (dưới 10 triệu đồng) hoặc tương đương 20% phí tham gia gói bảo hiểm hỗ trợ tai nạn/hỗ trợ viện phí, nhưng phương án không được khách hàng thấp thuận vì cho rằng, việc điều chỉnh danh sách cơ sở y tế bị loại trừ là vi phạm điều 25 - Luật Kinh doanh bảo hiểm khi đơn phương điều chỉnh mà không sự đồng ý của khách hàng.
Về phía khách hàng, ngay sau khi thông báo được phát đi, hàng trăm khách đã lên tiếng phản ứng. Trước sức ép lớn, vào cuối tháng 4/2021), cả nhà bảo hiểm lẫn đơn vị phân phối buộc phải “xuống nước” và thống nhất giữ nguyên quyền lợi bảo hiểm sức khỏe TC Care theo cam kết hợp đồng bảo hiểm đã ký với khách hàng. Ngoài ra, các hồ sơ yêu cầu bồi thường nếu có phát sinh từ ngày 9/4/2021 đến hiện tại vẫn được xem xét giải quyết bồi thường theo giấy chứng nhận bảo hiểm đã cấp cho người được bảo hiểm.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề chính là quyền lợi bảo hiểm, các khách hàng còn yêu cầu được trả lời bằng văn bản về một số nội dung khác liên quan tới quyền hạn, trách nhiệm của nhà bảo hiểm PJICO, đơn vị phân phối TC Group, đơn vị môi giới Willis Towers Waston trong vụ việc này, điều mà đáng ra họ phải nhận được từ trước ngày 20/4/2021, nhưng đến nay chưa có hồi âm.
Phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo TC Group để hỏi rõ vấn đề này nhưng chưa nhận được câu trả lời. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới Quý độc giả khi có diễn biến mới.