Lo ngại tăng rào cản tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử

Lo ngại tăng rào cản tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những quy định trong dự thảo sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến nhận được những phản hồi bày tỏ nhiều lo ngại.

Phát biểu tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/1, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW cho rằng, dự thảo quy định mới của Bộ Công thương tăng rào cản tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử.

"Dự thảo có điều khoản quy định cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Công Thương trước khi cấp, điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan. Quy định này bất cập ở chỗ khi làm thủ tục đầu tư, doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư đã phải xin ý kiến chấp thuận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (có tham vấn ý kiến Bộ Công Thương) nên việc tiếp tục phải xin ý kiến Bộ Công Thương khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan làm tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn gấp nhiều lần cho doanh nghiệp", Luật sư Hà nói.

Ngoài ra, quy định trên còn gây sự bất an cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động tại Việt Nam. Việc chấp thuận đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt thì việc hỏi lại ý kiến Bộ Công thương khi điều chỉnh đăng ký/giấy phép có thể mang tính chồng chéo và gây xung đột vì chức năng cấp phép đầu tư thuộc cơ quan đăng ký đầu tư.

Dự thảo cũng quy định các doanh nghiệp chi phối 1 trong 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ thương mại điện tử theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An.

"Tuy nhiên, khái niệm “chi phối” có điểm trùng lặp với quy định của Luật Cạnh tranh, và một hành vi (chẳng hạn như nhà đầu tư nước ngoài mua 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp) có thể làm cho doanh nghiệp phải thực hiện cùng lúc 2 thủ tục thẩm định riêng biệt theo Dự thảo trên (ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công An), và Luật Cạnh tranh (thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trực thuộc Bộ Công Thương)", ông Hà khẳng định.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà.

Trong một thời gian dài, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng mình được quyền tiếp cận thị trường theo các khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập bởi Luật đầu tư 2014, Nghị định 52. Với quy định trong Dự thảo lần này, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường theo các khuôn khổ đã được thiết lập trước đó.

"Dự thảo cũng đặt các nhà đầu tư nước ngoài đứng trước rủi ro có khả năng mất một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư tại Việt Nam nếu không thể thoái vốn cho một bên thứ ba do các rào cản về đầu tư nước ngoài đặc, biệt trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ sàn thương mại điện tử vẫn đang trong tình trạng lỗ với số lỗ năm sau cao hơn năm trước và một số doanh nghiệp đã phải tính đến phương án mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để tiếp tục có vốn hoạt động", ông Hà cho hay.

Dự thảo còn giới hạn việc tiếp cận thị trường ở quy định chỉ có “các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ” mới được phép tiếp cận thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

"Việc giới hạn ở “công ty công nghệ uy tín toàn cầu” là tiêu chí mang tính chủ quan, với các tiêu chí không rõ ràng và mang tính phân biệt đối xử, khiến cho nhiều nhà đầu tư có uy tín ở cấp độ khu vực hoặc trong các lĩnh vực không phải là lĩnh vực công nghệ bị hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam, gây sự bất bình đẳng cho chính các nhà đầu tư đến từ khu vực ASEAN hoặc các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có đầu tư hoặc đóng góp về vốn ODA lớn cho Việt Nam.

Hơn nữa, việc hạn chế chỉ có những “Công ty công nghệ” có uy tín cũng loại bỏ một nhóm các nhà đầu tư có tiềm lực từ nước ngoài là các Quỹ đầu tư hiện đang có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam", ông Hà nhận định.

Đồng quan điểm với Luật sư Hà, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sen Đỏ, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử sendo.vn cho rằng, quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thương mại điện tử trong nước phải là những doanh nghiệp có uy tín toàn cầu rất khó thành hiện thực, quy định này chỉ làm khó sàn thương mại điện tử trong nước.

Theo ông Dũng, các sàn trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp từ Singapore hay Indonesia, nên bất cứ rào cản chính sách nào cũng ảnh hưởng tới khả năng hút vốn đầu tư vào thương mại điện tử.

"Có nhiều rào cản thì nhà đầu tư đã đầu tư vào rồi sẽ thoái vốn, hoặc một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào thương mại điện tử nhưng sau một thời gian không đầu tư nữa. Các sàn hiện chủ yếu hút vốn từ nước ngoài", ông Dũng lo ngại.

Tin bài liên quan