Lo ngại lạm phát giá hàng hóa của Trung Quốc đang giảm bớt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà tăng của chỉ số giá sản xuất ở Trung Quốc lên mức cao nhất 26 năm qua đang có dấu hiệu dừng lại khi các lực đẩy giá tăng trong năm qua đã thoái trào.
Lo ngại lạm phát giá hàng hóa của Trung Quốc đang giảm bớt

Cuộc khủng hoảng năng lượng trước đó đã thúc đẩy giá than lên mức kỷ lục dường như đã chững lại, trong khi những nỗ lực tích cực để kiểm soát virus đang làm suy giảm du lịch của người tiêu dùng và làm giảm nhu cầu đối với nhiên liệu máy bay. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng thanh khoản xung quanh các nhà phát triển bất động sản mắc nợ cao của Trung Quốc đang làm mất dần đi hy vọng về sự phục hồi của giá thép và giá đồng.

Theo Xiao Fu, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Bank of China cho biết: “Trong khi những nhà đầu cơ giá lên trên thị trường hàng hóa bên ngoài Trung Quốc chỉ ra rằng tồn kho dầu hoặc kim loại đang giảm dần sẽ dẫn tới giá cao hơn thì các nhà đầu tư bên trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại rất thận trọng”.

“Không có lãi lớn để đuổi giá cao hơn và có khá nhiều áp lực đối với người mua. Đối với Trung Quốc, áp lực lạm phát có thể được kiềm chế hơn một chút so với ở nước ngoài”, chiến lược gia Xiao Fu cho biết.

Tuy nhiên, rất nhiều điều có thể thay đổi vào năm 2022 khi Thế vận hội mùa Đông xuất hiện và chính sách khí thải của Bắc Kinh tiếp tục thay đổi. Một số nhà đầu tư cũng đang nuôi hy vọng có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ trung ương đối với lĩnh vực bất động sản và từ đó sẽ thúc đẩy nhu cầu kim loại như thép và đồng.

Ngoài ra, trong khi hầu hết giá cả hàng hóa đang ổn định nhưng chúng vẫn đang ở mức tương đối cao, đặc biệt là so với một năm trước. Và ảnh hưởng của những đợt tăng giá trước đó vẫn đang lan tràn trong nền kinh tế.

"Bài kiểm tra" mùa Đông

Các chính sách về việc kiểm soát đại dịch của Trung Quốc ngày càng trở nên chặt chẽ hơn vì quốc gia này muốn trở thành nơi duy nhất còn lại trên thế giới không chấp nhận Covid-19 là bệnh dịch đặc hữu. Với những hạn chế gia tăng ở một số nơi bao gồm cả Bắc Kinh trong tháng qua, việc đi lại đã giảm, trong đó IHS Markit ước tính mức giảm nhiên liệu máy bay sẽ giảm 10% trong quý IV tại nước này.

Ngoài ra, khi giá than ở mức thấp hơn một nửa so với mức đỉnh của tháng 10 và các kho dự trữ than gần với mức lành mạnh hơn, Bắc Kinh có thể sẽ tái hạn chế việc khai thác than.

Yuntao Liu, nhà phân tích của công ty tư vấn Energy Aspects có trụ sở tại London cho biết, Trung Quốc cũng sẽ muốn bầu trời trong xanh cho Thế vận hội mùa Đông khai mạc vào đầu tháng 2/2022 và sẽ hạn chế cả cung và cầu dầu khi các công ty tuân thủ các quy định về môi trường.

Tuy nhiên, thời tiết mùa Đông khắc nghiệt có thể gây áp lực lên nguồn cung năng lượng khi nhu cầu sưởi ấm tăng lên. Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt từ châu Âu sang châu Á đã khiến một quan chức Bắc Kinh cảnh báo về một số nguồn cung thiếu hụt trong mùa Đông. Giá khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc đang gần mức cao kỷ lục và một số người mua Trung Quốc đang muốn nhập khẩu trở lại.

Kỳ vọng về thay đổi chính sách

Ở Trung Quốc, các chính sách mà chính phủ đặt ra chắc chắn có tác động quyết định nhất. Đó là trường hợp của các kim loại như thép và đồng trong nửa cuối năm khi lĩnh vực bất động sản rơi vào cuộc khủng hoảng nợ mà không có gói cứu trợ nào.

Quặng sắt - nguyên liệu thô đầu vào cho thép – đã giảm gần 2/3 sau khi đạt đỉnh trong đợt bùng nổ nhu cầu trong nửa đầu năm. Hoạt động xây dựng giảm do lượng mua nhà giảm dần và đưa sản lượng thép xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017.

Citigroup đặt kỳ vọng nhiều hỗ trợ hơn cho lĩnh vực này trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2022, nhưng có rất ít kỳ vọng về một sự đảo ngược chính sách mạnh mẽ, đặc biệt là vì bất kỳ động thái nào như vậy có thể làm tăng lạm phát ở Trung Quốc.

Các nhà phân tích của Citigroup cho biết: “Một đến ba tháng tới có thể sẽ chứng kiến ​​sự suy yếu cung và cầu trên hầu hết các kim loại, cả theo mùa và liên quan đến tài sản”. Các nhà phân tích cho biết thép và quặng sắt ngay lập tức dễ bị tổn thương, trong khi tốc độ hoàn thiện nhà chậm lại và việc mua sắm thiết bị tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến đồng và nhôm.

Ngoài ra, việc cải cách điện được thực hiện ở một số vùng trong bối cảnh tình trạng thiếu điện gần đây đã khiến các nhà máy phát điện mất nhiều thời gian hơn để tăng giá cho các hộ tiêu dùng công nghiệp. Một số khu vực đã tăng giá lên tới 80% đối với các lĩnh vực công nghiệp như lò luyện nhôm và điều này đe dọa gây áp lực lên chi phí.

Yanting Zhou, nhà kinh tế tại Wood Mackenzie cho biết: “Những cải cách này sẽ gây ra áp lực lạm phát từ giá than sang giá điện và sau đó qua tất cả các lĩnh vực công nghiệp. Sẽ có áp lực khiến giá điện cao hơn thời kỳ trước đại dịch”.

Tin bài liên quan