Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Thư Ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- Viforest (Ảnh: Hồng Phúc).
“Tôi sợ sẽ có mức thuế nhất định áp lên sản phẩm gỗ Việt Nam. Dù không biết mức bao nhiêu nhưng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ tại chương trình gặp gỡ “Ngành gỗ vì một Việt Nam xanh” được tổ chức chiều nay tại TP.HCM.
Ngày 11/06/2020, Bộ Công Thương nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam.
Theo thống kê, xuất khẩu sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2019 đạt 309 triệu USD.
Hiện, sản phẩm này của Trung Quốc cũng đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98% đến 194,9%.
Chống gian lận thương mại được đánh giá là vấn đề sống còn với ngành gỗ Việt Nam.
Bởi như ông Hoài có chia sẻ trên trang web của Viforest, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ, gỗ dán Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thuế chống lẩn tránh tương đương mức thuế mà Hoa Kỳ đang áp lên gỗ dán của Trung Quốc (tương đương hơn 200%) và kéo theo rủi ro tương tự cho các sản phẩm được làm từ gỗ dán như tủ bếp, ván sàn, nội thất…
“Tôi muốn truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng, tất cả doanh nghiệp Việt Nam có chế biến xuất khẩu gỗ thì không doanh nghiệp nào sử dụng gỗ bất hợp pháp. Với kết quả bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, hy vọng người kế nhiệm sẽ có ứng xử thân thiện và phù hợp với thực tế Việt Nam”, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest cho rằng, từ khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã khởi xướng hàng loạt cuộc điều tra trên nhiều mặt trận với tất cả các đối tác có thâm hụt thương mại lớn với cường quốc này.
“Việt Nam là 1 trong 10 nước đứng đầu về thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ và là quốc gia thứ 9 bị khởi xướng điều tra. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để khẳng định, ngành gỗ Việt Nam không kinh doanh xuất, nhập khẩu gỗ bất hợp pháp”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Vậy liệu Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ có xem xét về hành trình điều tra này tiếp tục hay không?
Các lãnh đạo Viforest đặt kỳ vọng, phía Hoa Kỳ sẽ xem xét một cách công bằng, thoả đáng cho những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam cũng như doanh nghiệp gỗ nội địa đang làm.
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam năm nay được dự đoán có thể đạt 12,5 tỷ USD, trong đó khoảng 6,5 tỷ USD xuất sang Hoa Kỳ.
Tại chương trình gặp gỡ “Ngành gỗ vì một Việt Nam xanh” được tổ chức chiều nay tại TP.HCM, đại diện các 08 hiệp hội, chi hội gỗ trên cả nước đã cùng ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng có trách nhiệm và bền vững trong tương lai.
08 đơn vị cùng ký cam kết gồm Viforest, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA BINH DINH), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thanh Hóa (THVIFORES), Chi hội Gỗ dán và Chi hội Dăm gỗ.
Ngoài ra, tại lễ kỷ niệm 75 thành lập ngành Lâm nghiệp dự kiến được tổ chức tại Nghệ An vào đầu ngày 01/12/2020, các đơn vị trên sẽ công bố chính thức việc ra mắt quỹ “Việt Nam xanh”, với vốn điều lệ 6,5 tỷ đồng, nhằm tài trợ các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học. Thông qua đó, Quỹ sẽ hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.