Cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng đã cải thiện mạnh mẽ những năm gần đây. Ảnh: Đức Thanh

Cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng đã cải thiện mạnh mẽ những năm gần đây. Ảnh: Đức Thanh

Lo lợi nhuận giảm, ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu

Để bù đắp doanh thu và lợi nhuận do tín dụng sụt giảm, các ngân hàng đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu bằng các dịch vụ ngoài lãi, đa dạng hóa cơ cấu khách vay.

Khối ngân hàng “quốc doanh” có nguy cơ giảm lãi

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế giảm 0,38% so với cuối năm 2019, nguy cơ tiềm ẩn nợ quá hạn, nợ xấu cũng gia tăng.

Theo đánh giá của 43 tổ chức tín dụng, đến ngày 12/2/2020, dự kiến dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do dịch chiếm khoảng 13% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này (tương đương  950.000 tỷ đồng.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid - 19 là các ngân hàng TMCP nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng tới gần 600.000 tỷ đồng (nhóm ngân hàng này chiếm gần 50% thị phần tín dụng cả nước).

Lo lợi nhuận giảm, ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu ảnh 1

Để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian qua, các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5% với các điều kiện kèm theo. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn đưa ra một số gói tín dụng lãi suất thấp áp dụng cho khách hàng mới.

Theo đánh giá của lãnh đạo các ngân hàng, trước mắt, nợ xấu có thể chưa tăng vọt, vì ngân hàng được cơ cấu lại nợ theo quy định, song dòng tiền trả nợ bị ảnh hưởng sẽ tác động đến lợi nhuận năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank ước tính, với đợt giảm lãi suất vừa tung ra, Vietcombank sẽ mất ít nhất 300-450 tỷ đồng lợi nhuận, chưa kể trích lập dự phòng có thể tăng theo. Vietcombank chưa có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận, song cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng nếu cần thiết, phụ thuộc nhu cầu của nền kinh tế và kịch bản GDP. 

Hiện NHNN chưa có kế hoạch thay đổi mục tiêu tín dụng, cũng như điều chỉnh lãi suất điều hành. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, trước mắt, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch bệnh lên chính sách tiền tệ, sẵn sàng điều chỉnh trạng thái chính sách tiền tệ nếu cần, hài hòa trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn dịch. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng có biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.

Đại diện NHNN cho rằng, cần bình tĩnh để đánh giá đầy đủ những tác động, sau đó đưa giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp. Nếu dịch bệnh kéo dài và tác động bất lợi đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, thì mới nên hỗ trợ tín dụng và lãi suất với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, lợi nhuận ngân hàng này sẽ giảm khoảng 50 tỷ đồng vì các chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện Chính phủ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, NHNN không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, thì ngân hàng này cũng không điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2020, mà sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ và các dịch vụ ngoài lãi để bù đắp sự giảm sút này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới lợi nhuận ngân hàng, song VPBank sẽ nỗ lực bảo vệ biên lãi ròng (NIM), cải thiện lợi nhuận bằng cách thay đổi sản phẩm, cơ cấu lại mảng cho vay, tối ưu hóa dòng tiền.  

Theo phân tích của chuyên gia nghiên cứu chứng khoán, cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng đã cải thiện mạnh mẽ những năm gần đây, tỷ lệ phụ thuộc vào tín dụng giảm bớt, tỷ trọng thu ngoài lãi tăng lên. Đơn cử, tại VPBank, trước đây, tín dụng chiếm 90% tổng thu nhập, song hiện tại chỉ còn hơn 40%, thu ngoài lãi chiếm gần 40%. Việc cơ cấu nguồn thu đa dạng giúp các ngân hàng ứng phó tốt hơn với các biến động của nền kinh tế.

Báo cáo phân tích mới nhất của Fiin Group cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 18 ngân hàng niêm yết (chiếm 67,4% tổng dư nợ toàn ngành) lên tới 29,3% năm 2019, chủ yếu do cải thiện NIM. NIM các ngân hàng tăng từ 3,1 lên 3,4%, chủ yếu từ tăng trưởng tín dụng bán lẻ và thu phí dịch vụ, trong khi tăng trưởng cho vay doanh nghiệp giảm.

Đặc biệt, thu phí dịch vụ của các ngân hàng tăng trưởng rất mạnh ở mức 30,7% và sự cải thiện đến từ 3 ngân hàng chính là VIB (144,6%), VPBank (84,2%) và TPBank (58,6%). Ba ngân hàng lớn có vốn nhà nước cũng tăng trưởng mạnh thu nhập về phí là VietinBank (46,5%), Vietcombank (26,6%) và BIDV (20,6%).

Tin bài liên quan