Lo lắng về thuế, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

Lo lắng về thuế, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall mất điểm vào thứ Ba (14/9) do thị trường lo lắng những bất ổn kinh tế và khả năng tăng thuế doanh nghiệp bất chấp dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt.

Sau báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước, thứ Ba (14/9), thị trường đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là số liệu kinh tế Mỹ quan trọng nhất được công bố trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 21 - 22/9 của Fed.

Theo Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 8 của Mỹ tăng 0,3%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng trước đó là 0,5%. Trong khi đó, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, chỉ tăng 0,1%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021, theo sau mức tăng 0,3% trong tháng 7. Tính từ tháng 8/2020 đến 8/2021, CPI tăng 5,3% và CPI lõi tăng 4%.

Áp lực lạm phát hạ nhiệt trong báo cáo trên phù hợp niềm tin lâu nay của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo, còn quá sớm để ăn mừng và dự kiến ​​ngân hàng trung ương Mỹ sẽ đưa ra kế hoạch bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng vào tháng 11.

Mặt khác, kế hoạch tăng thuế mà đảng Dân chủ ấp ủ đang thắng thế và dường như sắp có kết quả với việc gói ngân sách 3.500 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp được thông qua.

Theo kế hoạch mà Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện công bố, thuế đánh vào những người Mỹ giàu nhất sẽ tăng từ 37% lên 39,6%. Thuế đánh vào các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 5 triệu USD sẽ tăng từ 21% lên 26,5%. Mức thuế doanh nghiệp trên thấp hơn so với mức 28% mà ông Biden đề xuất. Thuế doanh nghiệp đã được giảm đáng kể, từ 35% xuống 21%, theo Luật cải cách thuế năm 2017 dưới thời ông Trump.

Mặt khác, cổ phiếu Apple giảm gần 1% sau khi gã khổng lồ công nghệ này công bố dòng điện thoại iPhone 13 tại sự kiện giới thiệu sản phẩm mùa thu thường niên của hãng. Việc giá cổ phiếu giảm ngay sau khi tung ra sản phẩm mới là điều thường thấy với Apple.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của phố Wall đều đóng cửa trong sắc đỏ để nhắc nhở rằng tháng 9 luôn là một tháng khó khăn trong lịch sử đối với chứng khoán. Tuy nhiên, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures vẫn đang trong xu hướng leo dốc trong phiên giao dịch ngoài giờ.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Dow Jones giảm 292,06 điểm (-0,84%), xuống 34.577,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,68 điểm (-0,57%), xuống 4.443,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 67,82 điểm (-0,45%), xuống 15.037,76 điểm.

Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên ngày thứ Ba với cổ phiếu các công ty khai thác, ngân hàng và các thương hiệu xa xỉ bị bán tháo trên diện rộng trong khi sự lạc quan về tín hiệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 8 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 34,37 điểm (-0,49%), xuống 7.034,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,57 điểm (+0,14%), lên 15.722,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 23,96 điểm (-0,36%), xuống 6.652,97 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng khi tốc độ gia tăng trong việc triển khai tiêm chủng vắc-xin trong nước làm tăng hy vọng mở cửa kinh tế trở lại.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do nhóm cổ phiếu bất động sản và tài chính kéo lùi sau khi China Evergrande Group cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ chéo. Chứng khoán Hồng Kông theo chân thị trường Đại lục.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên được thúc đẩy bởi lực mua của nhà đầu tư nước ngoài.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 222,73 điểm (+0,73%), lên 30.670,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 52,77 điểm (-1,42%), xuống 3.662,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 311,58 điểm (-1,21%), xuống 25.502,23 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 20,97 điểm (+0,67%), lên 3.148,83 điểm.

Giá vàng đêm qua tăng mạnh, vượt ngưỡng cản 1.800 USD/ounce khi báo cáo về lạm phát thấp hơn dự kiến tạo áp lực lên đồng USD và lợi suất trái phiếu.

Kết thúc phiên 14/9, giá vàng giao ngay tăng 11,10 USD (+0,61%), lên 1.804,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 12,70 USD (+0,71%), lên 1.805,00 USD/ounce.

Giá dầu hầu như không thay đổi vào thứ Ba do cơn bão nhiệt đới Nicholas mang đến mưa lớn và mất điện ở Texas nhưng ít gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ hơn cơn bão Ida gây ra hồi đầu tháng.

Hơn 39% sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên của Vịnh Mexico vẫn bị đóng cửa vào thứ Ba, Cục an toàn và thực thi môi trường (BSEE) cho biết. Bão Nicholas đổ bộ vào Texas vào thứ Hai và sẽ đến Louisiana vào thứ Tư, mang lại nhiều lũ lụt và mưa lớn hơn cho các cơ sở dầu khí của Vùng Vịnh.

Mặt khác, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, sau ba tháng giảm, việc triển khai rộng rãi vắc-xin Covid-19 sẽ khơi dậy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á.

IEA nhận thấy nhu cầu sẽ phục hồi lên 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 10 và tiếp tục tăng trưởng cho đến cuối năm.

Nhìn chung, cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 thêm 105.000 thùng/ngày xuống 5,2 triệu thùng/ngày nhưng nâng con số năm 2022 lên 85.000 thùng/ngày lên 3,2 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 14/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 70,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,09 USD (+0,1%), lên 73,60 USD/thùng.

Tin bài liên quan