Tăng vốn đầu tư
Đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chưa dễ cải thiện trong thời gian ngắn, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 5,8%, đồng thời tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng 6,2% vào năm tới, Chính phủ đang triển khai các giải pháp gia tăng hoạt động đầu tư từ khu vực nhà nước. Điều này đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014 vừa diễn ra, khi khẳng định: để tăng tổng cầu cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước hết là tăng dư nợ tín dụng cho vay và tăng giải ngân đầu tư.
Để cụ thể hóa chỉ đạo tăng giải ngân đầu tư, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1530/QĐ-TTg về ứng trước kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015
. Theo đó, Thủ tướng quyết định ứng trước hơn 7.575 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 đối với một số dự án của các bộ và địa phương. Số vốn ứng trước được thực hiện và thanh toán đến hết quý I/2015.
Để sớm đưa lượng vốn này vào các dự án đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thông báo danh mục, mức vốn đối ứng của từng dự án và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc ứng vốn theo quy định.
Việc Thủ tướng đưa ra quyết định ứng vốn, ngay sau khi Kho bạc Nhà nước công bố kế hoạch tăng hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 22.000 tỷ đồng trong năm 2014, được giới chuyên gia nhìn nhận là sẽ tiếp tục đẩy nhanh tăng tốc độ sử dụng nguồn vốn huy động được. Qua đó, giúp lượng vốn này nhanh “ngấm” vào nền kinh tế, để sớm chuyển hóa thành kết quả tăng trưởng GDP không chỉ cho năm nay.
Không chỉ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA sau một thời gian tốc độ giải ngân không mấy cải thiện nay có sự tăng mạnh. Theo ông Nên, giải ngân ODA tính đến tháng 8/2014 tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 3 tỷ USD, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Chính phủ đang nỗ lực thu xếp nguồn vốn đối ứng, để tiếp tục tăng tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA trong thời gian tới.
Giảm thiểu “tác dụng phụ”
Để giảm thiểu “tác dụng phụ” của việc tăng đầu tư của khu vực nhà nước như quan ngại của giới chuyên gia, theo ông Nên, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng sử dụng vốn dàn trải, kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy, lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân như: do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... Tuy nhiên, lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng trên, Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2015 đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật, là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, kế hoạch phát triển; ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định. Luật còn thể hiện sự đổi mới trong công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Để sớm đưa những nội dung cải cách của Luật Đầu tư công vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến các đơn vị liên quan góp ý cho dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, để có thể trình Chính phủ thông qua trong quý IV/2014, trên cơ sở đó sớm ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết.