Hội nghị diễn ra trong 3 ngày với các hoạt động chính bao gồm hội thảo nhằm thông tin đến các quỹ tình hình kinh tế vĩ mô cũng như các dự báo xu hướng kinh tế của Việt Nam năm 2017.
Song song với hoạt động hội thảo, đại diện các quỹ cũng đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo hơn 30 doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết để nghe chia sẻ từ công ty về những kể hoạch và triển vọng kinh doanh, qua đó mở ra cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của công ty.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong vòng 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm lớn về số lượng doanh nghiệp nhà nước, từ mức 6.000 doanh nghiệp xuống còn hơn 700 doanh nghiệp. Thế nhưng, năng suất lao động lại không đáp ứng được như kỳ vọng, bởi vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả.
"Mặc dù vậy, trong vài năm tới, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng ổn định bậc nhất khu vực. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho làn sóng đầu tư tiếp tục đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn", ông Batten cho hay.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, mặc dù vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua đã tiết giảm khá nhiều, nhưng về lượng vốn nắm giữ của khối doanh nghiệp này vẫn đang khá lớn. Mặt khác, trong Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có 97% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam vẫn còn quá ít các doanh nghiệp tập đoàn tư nhân có quy mô và sức cạnh tranh cao.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua trong việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thúc các tập đoàn, tổng công ty thuộc những ngành nghề Nhà nước không cần năm giữ niêm yết, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, nỗ lực này là đáng ghi nhận và sẽ góp phần thúc đẩy thị trường vốn hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn.
Với việc chạm ngưỡng nợ công như hiện nay, thời gian tới, Chính phủ sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn tại các tổng công ty, tập đoàn lớn, chẳng hạn như Mobifone.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia cũng đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến xu hướng kinh tế mới trong năm 2017, qua đó có những đề xuất nhằm giúp cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư cũng như công nghệ từ các nước phát triển.
Theo đó, các lĩnh vực chính được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong thời gian qua gồm tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ, thương mại điện tử và bảo hiểm nhận được các diễn giả, chuyên gia và đại diện các quỹ trao đổi khá sôi nổi.
Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 2/3 thông qua các hoạt động tham quan nhà máy và dự án của một số doanh nghiệp niêm yết nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn thực tế hơn về hoạt động tại doanh nghiệp.