“Liệu pháp” tránh tranh chấp giữa các nhóm cổ đông

“Liệu pháp” tránh tranh chấp giữa các nhóm cổ đông

(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014, Nghị định 60 cùng những văn bản thông tư hướng dẫn, với nhiều quy định mang tính mở, tạo điều kiện cho DN quyền chủ động hơn trong việc quyết định mô hình và cơ cấu quản trị. Tuy nhiên, để có thể vận dụng linh hoạt các quy định mới cũng như các thông lệ quản trị công ty tốt, đặc biệt trong việc xây dựng và định hướng cơ cấu cổ đông mục tiêu thì không phải DN nào cũng quan tâm và thực hiện một cách hiệu quả. 

Doanh nghiệp cần quan tâm đến cơ cấu cổ đông

Tại các nền kinh tế phát triển, nơi hệ thống pháp luật và việc thực thi luật pháp bảo vệ quyền của cổ đông được thực hiện hiệu quả, thị trường phát triển, công khai minh bạch về tài chính và sở hữu trong công ty thì cơ cấu cổ đông hay cấu trúc sở hữu trong công ty cổ phần (CTCP) không phải là vấn đề lớn, có thể dẫn đến rủi ro cho chủ sở hữu công ty hay ban điều hành.

Với một cơ cấu sở hữu phân tán hay tập trung, nếu có cơ chế giám sát hiệu quả thì vẫn đảm bảo quản trị công ty tốt. Tuy nhiên, ở các quốc gia, nơi mà quyền lợi cổ đông thiểu số chưa được quan tâm, việc đảm bảo thực thi pháp luật còn yếu và chưa hiệu quả thì cơ cấu cổ đông có thể là vấn đề dẫn đến nhiều mâu thuẫn xung đột lợi ích, rủi ro mất quyền kiểm soát.

Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật và quy định về quản trị công ty với những nội dung mang tính định hướng, khuyến nghị DN thực hiện, còn việc áp dụng cụ thể, quy định chi tiết trong Điều lệ, quy chế quản trị công ty cần có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của DN và đặc điểm cơ cấu cổ đông.

Để bảo vệ quyền kiểm soát và quyền về tài sản của chủ sở hữu công ty, chủ sở hữu công ty cần quan tâm đến cơ cấu cổ đông và xây dựng cơ cấu cổ đông mục tiêu để tránh phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa nhóm cổ đông, giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số, giữa cổ đông nội bộ và cổ đông bên ngoài công ty.

Cũng giống như các quốc gia châu Á, môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn dựa trên các mối quan hệ, không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết theo cơ chế thị trường và công khai minh bạch như ở thị trường Mỹ hay các nước phát triển. Một cơ cấu sở hữu với các cổ đông đồng thuận, ủng hộ những quyết định của HĐQT và ban điều hành sẽ giúp cho DN phát triển ổn định. 

Ngoài ra, xây dựng cơ cấu cổ đông hiệu quả cũng giúp cho DN có định hướng trong việc xây dựng kế hoạch huy động vốn, xây dựng chính sách cổ tức tối ưu, xây dựng chiến lược IR- quan hệ cổ đông, đồng thời gia tăng thanh khoản của cổ phiếu….

Làm thế nào để có cơ cấu cổ đông hiệu quả?

Không có một mẫu số chung về cơ cấu cổ đông áp dụng cho tất cả các CTCP. Cơ cấu cổ đông hiệu quả là cơ cấu cổ đông không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định của công ty, không ảnh hưởng lớn đến việc biểu quyết các vấn đề quan trọng tại ĐHCĐ, đồng thời đảm bảo tính thanh khoản của cổ phiếu.

Cùng với sự phát triển của công ty từ chưa đại chúng thành công ty đại chúng, công ty niêm yết trên TTCK, từ cơ cấu sở hữu tập trung đến cơ cấu sở hữu phân tán hơn, mô hình quản trị công ty cũng sẽ có những sự thay đổi để phù hợp với quy mô của DN. Công ty từ chỗ chỉ gồm một số cổ đông góp vốn thành lập và tự quản lý, khi IPO/niêm yết sẽ có sự tham gia của các cổ đông bên ngoài.

Đối với các công ty đã niêm yết và thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD, thời điểm chốt quyền họp ĐHCĐ thường niên và các đợt chốt quyền trả cổ tức/phát hành cổ phiếu… là những thời điểm công ty có được thông tin đầy đủ về danh sách các cổ đông. Tại những kỳ họp ĐHCĐ, các đợt tổ chức roadshow, các buổi gặp mặt NĐT là thời điểm thuận lợi nhất cho công ty để có thể tìm hiểu về cơ cấu cổ đông của công ty mình, hiểu rõ các cổ đông và mức độ quan tâm đến hoạt động của công ty.

Đối với các CTCP chưa niêm yết, cần kiểm soát và thường xuyên cập nhật các báo cáo cơ cấu sở hữu và tính biến động chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông. Trên cơ sở đó, DN xây dựng kế hoạch tái cơ cấu tỷ lệ sở hữu cổ đông trước khi chính thức lên niêm yết.

Ngoài ra, DN cũng cần chuẩn bị nguồn lực về tài chính, xây dựng kế hoạch huy động vốn (IPO, ESOP, phát hành cổ phiếu riêng lẻ…), kế hoạch IR nhắm tới cổ đông mục tiêu hoặc kết hợp phương án tái cấu trúc công ty (thông qua chia tách, hợp nhất, sáp nhập…).

Tin bài liên quan