Ảnh AFP

Ảnh AFP

Liên tiếp nhận tin vui, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

(ĐTCK) Tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích kinh tế của Trung Quốc, Đức, tiếp đó là Mỹ đem lại kỳ vọng lớn cho giới đầu tư trong phiên giao dịch đầu tuần mới (19/8).

Sau khi hồi phục tốt trong phiên cuối tuần qua (16/8) nhờ thông tin Đức sẵn sàng từ bỏ chính sách cân bằng tài chính để tránh suy thoái kinh tế, giới đầu tư tiếp tục nhận tin vui từ Trung Quốc, giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên của tuần mới.

Theo đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, sẽ cải tiến cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong tháng 8, nhằm giảm lãi suất đi vay. Động thái này được xem như là một kế hoạch mới nhất của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng.

Trước đó, vào Chủ nhật (18/8), Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, Berlin có thể cung cấp tới 50 tỷ euro (55 tỷ USD) chi tiêu thêm để kích thích nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tiếp bước Trung, Đức, Washington Post đưa tin, các quan chức Nhà Trắng đã thảo luận về khả năng cắt giảm thuế tạm thời để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.  

Kết thúc phiên 19/8, chỉ số Dow Jones tăng 249,78 điểm (+0,96%), lên 26.135,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,97 điểm (+1,21%), lên 2.923,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 106,82 điểm (+1,35%), lên 8.002,81 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư hồ hởi với các thông tin về kích thích kinh tế của Trung Quốc và Đức. Những động thái trên của các nền kinh tế lớn đã làm tan dần nỗi lo suy thoái kinh tế và lợi suất trái phiếu tăng trở lại.

Kết thúc phiên 19/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 72,50 điểm (+1,02%), lên 7.189,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 152,63 điểm (+1,32%), lên 11.715,37 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 70,78 điểm (+1,34%), lên 5.371,56 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Đặc biệt, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng vọt hơn 2% trong phiên này khi Bắc Kinh đưa ra tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại do thương chiến.

Kết thúc phiên 19/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 144,35 điểm (+0,71%), lên 20.563,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 59,27 điểm (+2,10%), lên 2.883,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 557,62 điểm (+2,17%), lên 26.291,84 điểm.

Sự khởi sắc của chứng khoán với kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế đã hút tiền vào các kênh đầu tư rủi ro, nhưng có lợi nhuận lớn, trong khi vàng bị bán ra mạnh, đẩy giá kim loại quý này lao dốc trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 19/8, giá vàng giao ngay giảm 17,7 USD (-1,17%), xuống 1.495,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 12 USD (-0,79%), xuống 1.511,6 USD/ounce.

Cũng như chứng khoán, giá dầu thô phản ứng tích cực với thông tin kích thích kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nên bật tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 19/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,34 USD (+2,44%), lên 56,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,10 USD (+1,88%), lên 59,74 USD/thùng.

Tin bài liên quan