Khu 145 ha hiện là sân golf. Ảnh: N.S

Khu 145 ha hiện là sân golf. Ảnh: N.S

Liên quan vụ lãnh đạo PROTRADE bị bắt: Làm rõ việc đem 145 ha đất liên doanh làm sân golf

Vụ việc tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) lại nóng lên khi cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ khu đất 145 ha mà doanh nghiệp này đã đem đi liên doanh làm sân golf.

Cảnh sát điều tra đang làm rõ

Như Báo Đầu tư phản ánh, sau khi bắt 2 lãnh đạo Protrade và khởi tố bị can, cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 người là nguyên Phó tổng giám đốc Protrade, ngày 9/4/2020, liên quan vụ 43 ha (hiện là Dự án Khu đô thị Tân Phú thuộc Thành phố mới Bình Dương), tỉnh Bình Dương đã họp báo công khai vụ việc.

Tại buổi họp báo, tỉnh Bình Dương ghi rõ bằng văn bản: “Liên quan đến 145 ha, cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục xác minh làm rõ”.

Trước đó, năm 2019, báo chí đã lên tiếng vụ việc Protrade có nhiều “khác thường” khi đem 145 ha đất góp vốn lập liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành), nhằm thực hiện Dự án Câu lạc bộ Sân golf và Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp (nay đổi tên là Sân golf Harmonie).

Sau đó, liên tục nhiều kỳ họp báo, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương chỉ tập trung nội dung ở vụ 43 ha. Thậm chí, tỉnh Bình Dương chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc, nhưng cũng chỉ xoay quanh vụ 43 ha và khi phát hiện dấu hiệu sai phạm hình sự vượt quá thẩm quyền, mới chuyển Công an tỉnh điều tra.

Protrade từng phản biện gì vụ 145 ha?

Tại Văn bản số 113 giải trình với Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương năm 2018 và Văn bản phản ứng báo chí số 120 ngày 30/9/2019 do ông Trần Nguyên Vũ ký (ông Vũ vừa bị bắt liên quan vụ 43 ha) đều cho biết, khu đất 145 ha nằm trong khu đất 567,3 ha. Mà khu đất 567,3 ha hình thành từ nguồn tiền Protrade đi vay ngoài từ ngân hàng và liên kết, liên doanh để có tiền đền bù theo Hợp đồng đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tại Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đầu tư Bình Dương số 06/HĐ ngày 24/11/2004.

Từ đó, Protrade khẳng định, việc định giá lô đất 145 ha ở mức 138.000 đồng/m2 là phù hợp giá thị trường tại thời điểm góp vốn thành lập Công ty Tân Thành năm 2007, phù hợp với khoản 2, Điều 30, Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Protrade cũng đổ lỗi cho việc tới năm 2016 (trước khi cổ phần hóa) mới hoàn tất thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất với mức giá định từ 9 năm trước (năm 2007) là do “UBND tỉnh Bình Dương chậm trễ trong thủ tục thu hồi đất và bàn giao đất, nên đến tháng 2/2013, UBND tỉnh mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu đất của Tổng công ty. Trên cơ sở quyền sử dụng đất được cấp, năm 2016, Tổng công ty mới hoàn tất thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Thành theo thỏa thuận góp vốn liên doanh và giấy chứng nhận đầu tư”.

Từ đó, Protrade cho rằng, việc so sánh áp giá theo bảng giá đất năm 2015 của tỉnh Bình Dương khiến chênh lệch lớn là không phù hợp.

Nhiều vấn đề

Giải trình và phản biện trên cho thấy, cả 2 lô đất (khu 43 ha và khu 145 ha) đều chung một nguồn gốc.

Ở vụ 145 ha, quá trình đem đất đi góp vốn liên doanh có nhiều bất thường. Hồ sơ cho thấy, Protrade đã “qua mặt” UBND tỉnh Bình Dương, tự ý ký trước hợp đồng liên doanh với đối tác nước ngoài, nhưng 6 ngày sau (ngày 17/10/2007) mới có văn bản xin chủ trương và đến ngày 24/10/2007 mới được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương liên doanh.

Protrade còn tự ý định giá 6 USD/m2 để ký kết liên doanh, trong khi thời điểm đó, khu 145 ha chưa được UBND tỉnh Bình Dương giao, chưa được cấp sổ đỏ.

Chưa hết, theo hợp đồng liên doanh Protrade ký kết với 2 đối tác Hàn Quốc (cùng là 3 cổ đông sáng lập để hình thành liên doanh Công ty Tân Thành), Điều 4/10 quy định “không cổ đông sáng lập nào được phép chuyển nhượng vốn góp trước khi các cổ đông sáng lập hoàn tất việc đóng góp đầy đủ vốn điều lệ là 30 triệu USD và trước khi công ty thanh toán đầy đủ giá trị còn lại của khu đất là 15 triệu USD cho Tổng công ty Bình Dương”.

Thế nhưng, vào tháng 2/2011, hai công ty Hàn Quốc đã bán vốn góp thông qua “Hợp đồng chuyển nhượng vốn và nhận góp thay vốn” với Công ty TNHH Phát triển và Công ty cổ phần Hưng Vượng. Theo đó, Công ty TNHH Phát triển và Công ty cổ phần Hưng Vượng nhận chuyển nhượng phần vốn đã góp của phía Hàn Quốc là 5,2 triệu USD (đã góp tính đến năm 2011) và nhận góp thay phần vốn chưa góp của 2 công ty phía Hàn Quốc là 15,8 triệu USD (tương đương 52,67% vốn điều lệ).

Như vậy, phi vụ chuyển nhượng này đã vi phạm hợp đồng liên doanh, nhưng Protrade vẫn để việc “chuyển nhượng vốn góp cũng như góp thay vốn” diễn ra.

Nhưng dấu hiệu “có vấn đề” lớn hơn là, sau phi vụ chuyển nhượng vốn trên, vốn góp vào Công ty Tân Thành đã chia 3 và 3 cổ đông này lại có mối quan hệ chi phối, thậm chí ruột thịt với nhau.

Cụ thể, vốn của Protrade là quyền sử dụng đất, chiếm 30% vốn điều lệ; Công ty TNHH Phát triển góp hơn 153 tỷ đồng, tương đương 9,6 triệu USD, chiếm 32% vốn điều lệ bằng tiền mặt; Công ty cổ phần Hưng Vượng góp hơn 182 tỷ đồng, tương đương 11,4 triệu USD, chiếm 38% vốn điều lệ bằng tiền mặt.

Với tỷ lệ góp vốn trên, chỉ 2/3 cổ đông tư nhân chung phiếu là cổ đông nhà nước mất quyền kiểm soát “đất vàng”.

Trong khi đó, cơ cấu vốn và cổ đông góp vốn tại Công ty Tân Thành cho thấy, quyền chi phối nằm trong tay nhóm người có quan hệ ruột thịt, thậm chí mật thiết. Cụ thể, đại diện phần vốn của Protrade tại Công ty Tân Thành là ông Nguyễn Văn Minh. Ông Minh cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hưng Vượng từ năm 2004.

Tại Công ty TNHH Phát triển có cổ đông tư nhân lớn là bà Nguyễn Thục Anh - con gái của ông Nguyễn Văn Minh.

Trong Công ty TNHH Phát triển lại còn có nhiều người làm trưởng hoặc thành viên Ban Kiểm soát hoặc giám đốc điều hành xuất thân từ Công ty cổ phần Hưng Vượng và Protrade, như ông Nguyễn Tiến Đạt (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phát triển, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Hưng Vượng); Trần Nguyên Vũ (Giám đốc tài chính Protrade, kiêm thành viên HĐQT Công ty cổ phần Hưng Vượng, Tổng giám đốc Protrade).

Tin bài liên quan