Jens Weidman.

Jens Weidman.

Liên minh ngân hàng - ngân sách đã lỗi thời

(ĐTCK) Đó là nhận xét được đưa ra bởi ông Jens Weidman, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank). Theo ông Weidman, cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công đã củng cố tầm quan trọng của việc phải phá vỡ mối liên kết tai hại: nợ công - ngân hàng.

Trong mối liên kết nói trên, bảng cân đối lung lay của các ngân hàng đã làm suy yếu khả năng thanh toán của ngân sách quốc gia và ngược lại. Đối với châu Âu, Weidman cho rằng, một liên minh ngân hàng là bước đi quan trọng để thoát khỏi mối quan hệ chết người này và việc trước hết là đánh giá lại những điều kiện cho phép các định chế tài chính được tiếp xúc với nợ công.

Nền tảng pháp lý hiện tại và trước mắt đang khuyến khích việc tiếp cận nợ công theo nhiều dạng thức khác nhau. Trong khi việc cho vay của các ngân hàng đối với một đối tác đơn lẻ là có giới hạn, về nguyên tắc là không quá 1/4 số vốn đủ điều kiện của ngân hàng, thì việc tiếp cận nợ chính phủ gần như đặt ngoài chế độ kiểm soát đó, với tỷ lệ yêu cầu về vốn được đặc cách ở mức rất thấp hoặc bằng không.

Điều kiện pháp lý đặc cách đã lôi cuốn các định chế tài chính đầu tư vào trái phiếu chính phủ, đặc biệt là trái phiếu chính phủ của nước sở tại. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, kênh đầu tư này thậm chí vẫn trở nên hấp dẫn hơn. Cấu phần trái phiếu chính phủ của khu vực đồng euro trong tổng tài sản của các ngân hàng nội khu đã tăng 1/3 so với cách đây 5 năm, từ mức 4% lên 5,3%. Và với hầu hết các nước châu Âu từng có xu hướng giảm tỷ lệ nợ công trong tổng dư nợ ngân hàng trong hơn một thập kỷ đầu của liên minh tiền tệ, tỷ lệ này đã tăng trở lại trong cuộc khủng hoảng vừa qua.

Các con số bình quân đã che dấu đi sự khác biệt giữa ngân hàng với ngân hàng và quốc gia với quốc gia. Những nghiên cứu gần đây, trong đó có một nghiên cứu của Bundesbank, đã phát hiện ra rằng, các ngân hàng lớn, các ngân hàng ít vốn và các ngân hàng phụ thuộc vào hoạt động bán buôn thường đầu tư vào trái phiếu chính phủ nhiều hơn các ngân hàng khác. Khi càng dễ bị tổn thương, các ngân hàng này càng tìm đến nợ công nhiều hơn. Nhiều ngân hàng yếu đã đầu tư vào trái phiếu có lợi tức cao và tái chiết khấu chúng ở mức lãi suất thấp hơn. Kiểu đầu tư ăn chênh lệch lãi suất như vậy giúp duy trì mức lợi nhuận tuy không cao nhưng ổn định và nhàn hạ cho các ngân hàng này, khiến họ có tâm lý trì hoãn những điều chỉnh cần thiết về mô hình kinh doanh.

Thực tế, trong một nền kinh tế, việc nắm giữ trái phiếu chính phủ được coi là an toàn nhất. Vì vậy, các ngân hàng trong nước có động cơ để đầu tư vào trái phiếu chính phủ và kiếm lợi suất chênh lệch nếu mọi thứ diễn tiến tốt. Mặt khác, các ngân hàng cũng có thể có được tiền không giới hạn từ các ngân hàng trung ương thông qua cầm cố trái phiếu.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng dồn tiền vào trái phiếu chính phủ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế thực. Trong tổng tài sản của một ngân hàng, nếu tỷ trọng trái phiếu chính phủ cao lên thì có nghĩa là cho vay doanh nghiệp, cá nhân sẽ ít đi. Thực tế là các ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu châu Âu đều giảm cho vay khu vực tư nhân.

Vì vậy, các điều kiện ưu đãi hiện hành là không phù hợp với nguyên tắc trách nhiệm cá nhân, lãi suất thị trường không còn phản ánh mức độ rủi ro của khoản đầu tư.

“Tôi biết rằng các ngân hàng cũng như các chính phủ sợ chi phí huy động tăng nếu chấm dứt các ưu đãi gắn với nợ công hiện nay. Ngoài ra, cũng có người cho rằng, một động thái thay đổi vào lúc này sẽ có nguy cơ gây bất ổn cho thị trường”. Weidman nói. “Tuy vậy, không thành viên thị trường nào đánh giá một trái phiếu Pháp có mức độ rủi ro như trái phiếu Hy Lạp. Các nhà đầu tư đều tin rằng, các trái phiếu chính phủ cũng khác nhau về mức độ rủi ro. Vì vậy, sẽ không có ai ngạc nhiên khi các điều kiện pháp lý thích ứng với thực tế này. Theo đó, các ngân hàng khi cho vay khu vực công cũng phải tuân thủ những điều kiện về vốn nhất định, không quá khác biệt so với cho vay khu vực tư nhân như hiện nay”.

Về khía cạnh chi phí tài trợ cho các chính phủ, một hệ thống ngân hàng lành mạnh với sự đa dạng hóa trong tài sản tốt hơn sẽ gây ra ít gánh nặng nợ hơn cho quốc gia. Thật vậy, một khi nợ tiềm tàng của chính phủ thu nhỏ sẽ làm giảm mức rủi ro nợ công và cuối cùng là giảm lợi suất trái phiếu chính phủ.

Giả định của các điều kiện hiện hành rằng trái phiếu chính phủ là phi rủi ro đã bị bác bỏ bởi kinh nghiệm gần đây. Do đó, thời điểm chín muồi để giải quyết các điều kiện thiên vị đối với nợ công đã đến.