Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự thu hẹp lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến các chính phủ phải đưa ra những gói chi tiêu chưa từng có để cứu vãn nền kinh tế thoát khỏi đại dịch.
Nhưng trong khi nhiều nhà lãnh đạo cam kết “tái thiết tốt hơn” và sử dụng tiền để giúp phục hồi và chống lại biến đổi khí hậu, thì cho đến nay, số tiền sử dụng cho mục đích đó vẫn đang thiếu hụt.
Trong số 1.900 tỷ USD mà 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố về chi tiêu phục hồi hậu Covid-19 vào cuối năm 2020, trong đó chỉ có 18% (tương đương 341 tỷ USD) có thể được coi là chi tiêu thân thiện với môi trường, theo báo cáo của Đại học Oxford và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc.
Brian O’Callaghan, trưởng nhóm nghiên cứu tại Dự án Phục hồi Kinh tế của Đại học Oxford nói với Reuters: “Trong nhiều trường hợp, các chính phủ đang chơi trò chơi chính trị”.
“Chúng tôi đã thấy những ví dụ về các nhà lãnh đạo sử dụng các gói kích cầu “xanh” để chiếm ưu thế về vấn đề bảo vệ môi trường, trong khi lặng lẽ đẩy qua các gói chi tiêu lớn hơn nhiều mà không có bình luận liên quan về đặc điểm môi trường của họ”, ông cho biết.
Các quốc gia giàu có chiếm phần lớn chi tiêu xanh, trong số đó có Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đức và Anh. Phần lớn nhất của nguồn tài trợ xanh là dành cho giao thông như trợ cấp xe điện và cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp. Năng lượng carbon thấp cũng được hưởng lợi, trong khi Mỹ và Trung Quốc dành tiền mặt cho các công viên công cộng.
Liên hợp quốc đã chỉ ra “một lượng bằng chứng ngày càng tăng” rằng chi tiêu tài khóa xanh có thể mang lại lợi nhuận kinh tế mạnh hơn các lựa chọn thay thế truyền thống.
Họ kêu gọi các quốc gia có thu nhập cao sử dụng các gói chi tiêu để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn và các cộng đồng bị thiệt thòi, những quốc gia bị ảnh hưởng không tương xứng bởi các ca tử vong do Covid-19 gây ra và những khó khăn kinh tế như mất việc làm.
Mặt khác trong năm 2020, các chính phủ đã cam kết tài trợ 11,1 nghìn tỷ USD để giải quyết các tác động ngắn hạn của đại dịch. Báo cáo cũng tập trung vào chi tiêu phục hồi, vì điều này sẽ định hình quỹ đạo kinh tế của các quốc gia trong nhiều năm tới.