Theo đó, ông Hwang Jeong-hwan sẽ là Chủ tịch mới kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty LG Mobile Communication. Còn người tiền nhiệm là ông Juno Cho sẽ có vai trò mới trong công ty mẹ LG.
Hwang Jeong-hwan là “một chiến binh kỳ cựu” trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, từng góp phần vào việc phát triển chiếc smartphone đầu tiên của LG vào năm 2009 với tư cách là Giám đốc kỹ thuật của Multimedia R&D Lab.
Việc bổ nhiệm ông Hwang vào vị trí mới này được cho là nhằm mục tiêu tạo ra những đột phá cho sản phẩm của LG.
Trong một thông cáo báo chí, tập đoàn này cho biết, ông Hwang đã làm việc với một trong những thiết bị Android đầu tiên của LG và mở đầu cho sự hợp tác với Google. Sự xuất hiện của ông Hwang như là một lời tuyên bố từ LG cho biết, Công ty muốn cạnh tranh với các đối thủ bằng cách đưa ra những sản phẩm và dịch vụ tiên tiến hơn.
Ông Hwang Jeong-hwan (trái)
Là một tập đoàn điện tử lớn, doanh thu của LG đang tiếp tục tăng lên nhờ các mặt hàng thiết bị gia dụng, sản phẩm giải trí cho gia đình. Trong quý III/2017, LG cho biết lợi nhuận hoạt động của họ tăng 82,2%, đạt 454 triệu USD nhờ doanh số của các thiết bị gia dụng và tivi cao cấp.
Tuy vậy, Công ty lại không thành công với bộ phận di động. Mảng kinh doanh này đã thua lỗ quý thứ 10 liên tiếp. Trên thực tế, LG đã ghi nhận mức giảm chung 18,4% trong suốt 3 năm qua và thua lỗ 331,7 triệu USD trong quý vừa qua. Để so sánh, Samsung trong cùng kỳ đã thu về 3 tỷ USD chỉ riêng trong mảng di động và 12,9 tỷ USD lợi nhuận hoạt động.
Các lý do cho sự thất bại của LG trong mảng di động khá rõ ràng. Trong khi Samsung vẫn tiếp tục cho ra đời những sản phẩm chất lượng như Galaxy S8 hay Note 8, Apple “gây sốt” với iphone X, thì chiếc V30 mà LG đặt nhiều kỳ vọng lại gần như không tạo ra được sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, LG còn vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ Trung Quốc với chi phí sản xuất và giá bán thấp.
LG kỳ vọng, với sự lãnh đạo của Hwang Jeong-hwan, mảng di động của LG sẽ được vực dậy và trở thành một thế lực trong ngành công nghệ di động vốn rất nhiều cạnh tranh hiện nay.
Chiếc V30 mà LG đặt nhiều kỳ vọng lại gần như không tạo ra được sức hấp dẫn
Trong khi đó, Han Chang-hee, người được biết tới với vai trò phó phòng truyền thông ứng dụng, sẽ trở thành trưởng bộ phận Global Maketing Center, với nhiệm vụ lãnh đạo hoạt động tiếp thị toàn cầu của LG. Người từng nắm giữ chức vụ này trước kia là ông Brian Na sẽ trở thành người điều hành cho LG tại Tây Âu.
Nhiều nguồn tin còn cho biết, LG đang tính tới việc thiết lập công ty về B2B để có thể giám sát tất cả những khía cạnh của kinh doanh sản phẩm B2B bao gồm năng lượng, hiển thị thông tin và kênh phân phối theo chiều dọc.
Ông Kwon Soon-hwang, trước đây là Giám đốc Công ty Giải pháp Kinh doanh của LG và là người đứng đầu các hoạt động của LG tại Ấn Độ, sẽ là trở thành người điều hành của công ty B2B mới này.
Ngoài ra, LG cũng sẽ thành lập trung tâm phát triển kinh doanh tích hợp, đây được cho là bước khởi đầu của công ty này hướng tới những công nghệ mới như AI, IoT và kết nối đa thiết bị.
Rõ ràng, cũng như một nhà sản xuất điện thoại Android khác là HTC, LG cần phải tìm cách bứt phá để giúp cho thương hiệu của mình nổi bật hơn, trong một “trận địa” nơi Samsung và Apple đang hoàn toàn nắm ưu thế.