Lê Yên Thanh, CEO BusMap: Chọn “lộ trình” khởi nghiệp trên quê hương

0:00 / 0:00
0:00
“Thần đồng lập trình”, “chàng trai vàng trong làng tin học”, “từ chối lời mời làm việc tại Google Singapore về Việt Nam khởi nghiệp”… là những mảnh ghép đầy màu sắc của chàng trai 26 tuổi Lê Yên Thanh.
Lê Yên Thanh, sáng lập, kiêm CEO BusMap

Lê Yên Thanh, sáng lập, kiêm CEO BusMap

Xây dựng hình mẫu doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội

Lê Yên Thanh là nhà sáng lập, đồng sáng lập của Talo - mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain trong thi cử, tuyển dụng; JobHop - ứng dụng tìm kiếm việc làm; Umbala - ứng dụng tạo video clip… Trước đó, với những thành tích xuất sắc trong học tập, Lê Yên Thanh được mọi người yêu mến gọi là “thần đồng lập trình”, “chàng trai vàng trong làng tin học”.

Nhưng đến lúc này, anh muốn gắn liền thương hiệu cá nhân với BusMap - ứng dụng cung cấp các giải pháp cho hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam.

“Các danh hiệu trước kia thuộc nhóm kết quả của quá khứ và tôi cũng chưa tạo nên dấu ấn đặc biệt trong các dự án khởi nghiệp từng tham gia. Tôi đã và đang tập trung, đầu tư hết nguồn lực vào BusMap để biến giấc mơ 6 năm qua thành hiện thực”, Thanh trả lời khiêm tốn, nhưng tôi đọc được trong ánh mắt anh sự quyết tâm và niềm kỳ vọng.

Ban đầu, BusMap được ra mắt nhằm mục đích giúp đỡ người dân, bao gồm cả chàng sinh viên Lê Yên Thanh, đang gặp khó khăn trong việc di chuyển bằng xe buýt tại TP.HCM tìm được lộ trình phù hợp nhất.

Ý tưởng này khá tương đồng với dự án của start-up được định giá trên 300 triệu USD là Citymapper (tên cũ là Busmapper) được Azmat Yusuf, cựu nhân viên Google thành lập năm 2010, trong việc tích hợp dữ liệu cho tất cả phương thức giao thông đô thị.

Cụ thể, BusMap sẽ định vị, tính toán tuyến đường di chuyển tối ưu nhất để gợi ý cho người dùng. Ứng dụng này có các tính năng vượt trội như: tra cứu thông tin chi tiết các tuyến, tích hợp di chuyển đa phương thức, chỉ dẫn từng bước, xem thời gian thực xe đến trạm và nhận thông báo tức thời.

Ngoài ra, BusMap còn được bổ sung nhiều tính năng thành phố thông minh khác và đặt vé xe đường dài.

Bắt tay viết những dòng code đầu tiên cho BusMap từ 6 năm trước, nhưng đến tháng 8/2019, Thanh mới quyết định thành lập công ty để quản lý và phát triển ứng dụng. Lý do là, thời điểm đó, BusMap đã có một lượng người dùng lớn (cứ 10 người đi xe buýt ở TP.HCM thì có 3 người cài ứng dụng), nếu không lập thành lập công ty, mà chỉ để ứng dụng phát triển tự nhiên, thì sẽ đến lúc không còn vốn để hoạt động, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dùng.

Theo số liệu của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, trung bình mỗi tháng có hơn 10 triệu lượt người sử dụng BusMap trên địa bàn Thành phố để phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe buýt, chiếm khoảng 20% số lượt đi xe buýt hằng tháng (tính theo số liệu 571 triệu lượt đi xe buýt trong năm 2018).

Tròn một năm dành toàn thời gian cho BusMap, Thanh tiết lộ, BusMap vừa hoàn tất vòng gọi vốn series A (số tiền đầu tư cho start-up trong vòng này thường khoảng 3 - 7 triệu USD, nhằm giúp công ty tìm ra mô hình kinh doanh tốt nhất). Đơn vị rót vốn cho BusMap không phải quỹ đầu tư mạo hiểm, mà là một doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong khá nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp đến giáo dục - đào tạo.

Vì sao lại là một doanh nghiệp Việt, trong khi BusMap từng lọt vào “tầm ngắm” của không ít quỹ đầu tư? Đáp lại thắc mắc này của tôi, Thanh nói, câu hỏi đầu tiên mà các quỹ đầu tư mạo hiểm đưa ra đều liên quan đến doanh thu và lợi nhuận của mô hình, trong khi phía đối tác mà BusMap lựa chọn lại dành nhiều thời gian tìm hiểu về mục tiêu phát triển, định hướng phát triển trong tương lai và tầm nhìn, sứ mệnh đối với cộng đồng của BusMap.

“Nhà sáng lập nên biết rõ những gì mà nhà đầu tư có thể mang lại cho dự án ngoài vốn, như năng lực tư vấn, chuyên môn, mối quan hệ, đặc biệt là kỳ vọng và mục tiêu ưu tiên của họ”, Thanh lý giải.

Khi các tuyến metro phát triển, thì hệ thống giao thông công cộng như xe buýt sẽ được cải thiện. Thay vì tăng tiền trợ giá cho xe buýt, chính quyền nên dùng một phần để đầu tư vào công nghệ, giúp người dân tiện lợi hơn

Anh cho biết, mục tiêu của BusMap là xây dựng hình mẫu về doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội tại Việt Nam. Điều này được đề cập rõ và là phương châm phát triển của doanh nghiệp từ ngày đầu thành lập.

Những nhà sáng lập doanh nghiệp xã hội như Thanh thường hướng đến việc kết hợp kinh doanh hiệu quả bằng cách làm những điều tốt cho cộng đồng, nhưng trên thực tế, không phải lúc nào họ cũng đạt được mục tiêu.

Vì vậy, thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định BusMap có thể mở rộng quy mô và đi theo đúng “lộ trình” kỳ vọng sau khi nhận vốn đầu tư hay không. Nhưng, có một điều được Lê Yên Thanh khẳng định chắc chắc là, anh đã chọn “lộ trình” khởi nghiệp tại Việt Nam.

Hành trình số hóa cùng BusMap

Trước khi gọi vốn đầu tư thành công, BusMap chỉ có vài thành viên thực hiện nhiệm vụ xây dựng sản phẩm cung cấp cho người đi xe buýt (B2C). Hiện nay, start-up này đã có trên 20 nhân sự, 1 văn phòng tại Thủ Đức (TP.HCM). Lê Yên Thanh cùng đội ngũ đang nỗ lực đổi mới mô hình kinh doanh hướng đến khách hàng doanh nghiệp (B2B) và các cơ quan chính quyền địa phương (B2G).

Cụ thể, BusMap cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp thường phải thuê xe đưa đón nhân viên để quản lý xe chạy đúng giờ, đúng tuyến. Với ứng dụng này, các nhân viên rất dễ dàng nắm bắt lịch trình, điểm đến của xe. BusMap đang triển khai ứng dụng cho 2 doanh nghiệp và chuẩn bị ký kết hợp tác với một đơn vị nữa.

Start-up này còn có nguồn thu từ khả năng cung cấp giải pháp liên quan đến thành phố thông minh mà họ chuẩn bị triển khai tại Đà Nẵng. Đây là thành quả của quá trình BusMap phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Trung tâm thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng (Tổng đài 1022) triển khai ứng dụng bản đồ Covid-19. Ứng dụng này cung cấp thông tin các điểm cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, vị trí người dùng, giúp người dùng biết được mình có đang di chuyển ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm hay không.

“BusMap có lợi thế với công nghệ lõi về bản đồ mà nhiều công ty gia công công nghệ phần mềm không thể làm được, vì họ có thể vi phạm chủ quyền biển đảo khi dùng bản đồ của Google; hoặc làm được, nhưng không đồng bộ với sản phẩm mục tiêu. Đặc biệt, với các thuật toán tìm đường, gợi ý đường đi, nếu không tự phát triển, mà dùng API của Google, thì sẽ tốn rất nhiều chi phí. Trong khi, với Busmap, chỉ cần 1 máy chủ và phí 40 USD/tháng là đủ đáp ứng cho toàn bộ hệ thống hoạt động”, Thanh phân tích.

Với lợi thế từ công nghệ bản đồ, đội ngũ Busmap chỉ cần 3 ngày để hoàn thiện giải pháp xây dựng bản đồ Covid-19 tại Đà Nẵng. Sau 2 tuần triển khai ứng dụng, đã có hơn 100.000 lượt người dùng, 5.000 lượt xem thông tin liên quan về tình hình Covid-19 trên địa bàn mỗi ngày.

Trong khi đó, chính quyền địa phương có thể theo dõi những thông tin cụ thể hơn về tình hình dịch bệnh qua bảng điều khiển kỹ thuật số (dashboard), như số người nghi nhiễm ở từng quận, huyện hay độ tuổi trung bình của những người nhiễm Covid-19…

Sau Đà Nẵng, BusMap đang đợi quyết định phê duyệt của tỉnh Hải Dương để triển khai ứng dụng tương tự miễn phí, dựa trên công nghệ bản đồ. Thanh cùng đội ngũ sáng lập cũng kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về máy chủ và lời giới thiệu đến các địa phương từ Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Thanh cho biết, việc triển khai dịch vụ quản lý xe công cần có các thiết bị ứng dụng Internet vạn vật (IoT), định vị hành trình để gắn vào xe. Nhà đầu tư của BusMap có nhà máy sản xuất phần cứng, nên khi triển khai dự án thành phố thông minh ở Đà Nẵng trong thời gian tới, nhà đầu tư có thể tăng công suất sản xuất các thiết bị IoT. Đây chính là lợi thế của BusMap.

Trên thực tế, nhiều địa phương chưa có bộ phận riêng chuyên quản lý hệ thống xe công cộng, nên không có hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan, không có nhân sự chuyên trách xử lý các phản hồi từ khách hàng. BusMap đã gặp phải vấn đề này ở 5 thành phố đã được số hóa dữ liệu, bao gồm cả Bangkok, Chiang Mai (Thái Lan) với nguồn dữ liệu mở.

“Khi các tuyến metro phát triển, thì hệ thống giao thông công cộng như xe buýt sẽ được cải thiện. Thay vì tăng tiền trợ giá cho xe buýt, chính quyền nên dùng một phần để đầu tư vào công nghệ, giúp người dân tiện lợi hơn khi đi xe buýt”, Thanh bày tỏ. Nhà sáng lập trẻ tuổi này đang đặt rất nhiều kỳ vọng ở nhà đầu tư đầu tiên, đó là không chỉ hỗ trợ về vốn, mà còn đồng hành dài hạn cùng BusMap trên hành trình số hóa hệ thống xe công cộng ở mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, cung cấp cho người dân thông tin về những lộ trình lý tưởng nhất.

Chat với Lê Yên Thanh:

Muốn đóng góp thực sự có ích cho cộng đồng

Thanh có thường xuyên chia sẻ với ba mẹ về công việc của mình?

Ba mẹ tôi đang sống ở An Giang và thường xuyên hỏi thăm về công việc của tôi. Những lần như thế, tôi đều nói mình “đang khởi nghiệp”. Từ khi còn là sinh viên, tôi đã tự chủ về tài chính, nên ba mẹ cũng yên tâm.

Vì sao Thanh từ chối làm việc tại Google hay tiếp tục du học ở nước ngoài, mà lựa chọn trở về Việt Nam khởi nghiệp?

Tôi muốn góp phần vào sự phát triển của Việt Nam. Còn lý do đơn giản hơn, tôi muốn về Việt Nam để được sống gần gia đình, mà vẫn có cơ hội đóng góp, tạo nên những sản phẩm thực sự có ích cho cộng đồng.

Nếu khởi nghiệp thất bại, Thanh sẽ làm gì?

Trường hợp xấu nhất là khởi nghiệp thất bại, nhưng còn sức khoẻ, tôi vẫn có cơ hội làm việc như một lập trình viên tự do, có thể nhận thù lao 40 - 50 USD/giờ. Mức thu nhập này đủ để tôi trang trải cuộc sống. Nhưng nếu chỉ muốn ổn định, kiếm tiền tích lũy, tôi đã không khởi nghiệp với BusMap.

Tin bài liên quan