Xung đột quyền lợi
Trong năm 2020, LDG ghi nhận doanh thu 1.388,4 tỷ đồng, tăng 77%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 12,9 tỷ đồng, giảm 97,9% so với năm 2019 và chỉ bằng vỏn vẹn 1,8% kế hoạch.
Ngày 15/4/2021, LDG dự kiến tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trình xin ý kiến đại hội về phương án phát hành 1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), không thu tiền.
Doanh nghiệp sẽ dùng 10 tỷ đồng trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến thời điểm phát hành trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán để phát hành ESOP.
Theo đó, lãnh đạo và nhân viên LDG không cần nộp thêm tiền vẫn nhận được tổng cộng 1 triệu cổ phiếu mới và có thể cụ thể hoá lợi nhuận trong tương lai khi cổ phiếu hết thời gian hạn chế chuyển nhượng.
Về mặt kế toán, sau khi phát hành đợt ESOP này, báo cáo cáo tài chính của LDG sẽ có sự dịch chuyển giá trị từ khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang mục vốn điều lệ và không thay đổi vốn chủ sở hữu, cũng như tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Trước đó, LDG liên tiếp phát hành ESOP với giá 0 đồng. Cụ thể, tháng 7/2017, Công ty phát hành 300.000 cổ phiếu, tháng 9/2018 phát hành 1.865.000 cổ phiếu, tháng 5/2019 phát hành 1.961.000 cổ phiếu.
Ngược lại, LDG không thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông mà trả bằng cổ phiếu. Trong năm 2019, LDG quyết định trả cổ tức tiền mặt 700 đồng/cổ phiếu, nhưng năm 2020 không thực hiện và mới đây, doanh nghiệp ra thông báo lùi thời điểm chi trả sang quý I, II/2021 với lý do Công ty cần cân đối và thu xếp nguồn tiền.
Giai đoạn 2017 - 2019, LDG đều phát hành cổ phiếu ESOP không thu tiền.
Giá cổ phiếu LDG trong gần 3 năm qua có diễn biến giảm khiến nhà đầu tư mua cổ phiếu giai đoạn tháng 9/2018 (thời điểm phát hành gần 1,9 triệu cổ phiếu ESOP) tại vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh cổ tức bằng cổ phiếu) đến nay thua lỗ khoảng 40%.
Trong cùng khoảng thời gian, Ban lãnh đạo và nhân viên LDG có khoản lợi nhuận không nhỏ từ cổ phiếu ESOP 0 đồng. Bên cạnh đó, LDG duy trì tỷ lệ khen thưởng 3% trên lợi nhuận sau thuế và trích thêm 10% lợi nhuận vượt kế hoạch thưởng cho Hội đồng quản trị và 10% cho Ban điều hành.
Được biết, cổ phiếu ESOP phát hành tháng 9/2018 được phép chuyển nhượng 30% sau 1 năm, 30% sau năm 2 và 40% sau 3 năm; cổ phiếu ESOP phát hành tháng 5/2019 bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Nhưng với cổ phiếu ESOP không mất tiền mua thì người được nhận cổ phiếu luôn có lời dù giá cổ phiếu LDG ở mức nào.
Sự cố dừng Khu đô thị Viva Park, lỗi tại ai?
Cuối năm 2020, LDG phải tạm ngừng triển dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại là Khu đô thị Viva Park) tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai do chưa hoàn thiện các thủ tục về xây dựng dự án và Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời yêu cầu Công ty hoàn thiện thủ tục giao đất, thuê đất theo đúng quy định.
Được biết, dự án Khu đô thị Viva Park có 198 biệt thự và 290 nhà liền kề. Tính tới 31/12/2020, tồn kho dự án này là 260,7 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng tồn kho của LDG. Ngày 6/1/2021, LDG cho biết, Công ty đã nộp tiền phạt vi phạm hành chính và đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục pháp lý để có thể tiếp tục triển khai dự án.
Việc LDG tiến hành xây dựng Khu đô thị Viva Park khi chưa đáp ứng đủ điều kiện và bị xử phạt cộng với thông tin về kết quả kinh doanh quý IV/2020 sụt giảm khiến giá cổ phiếu công ty này từ ngày 12/1 - 1/2/2021 giảm gần 23%, còn 6.710 đồng/cổ phiếu.
Gần đây, giá cổ phiếu LDG bật tăng lên 8.490 đồng/cổ phiếu (ngày 31/3) nhờ thông tin Công ty lên kế hoạch lãi 301 tỷ đồng trong năm 2021, nhưng cũng chỉ bằng một nửa mức giá cổ phiếu năm 2018 và 2019.
Như vậy, việc để xảy ra sự cố pháp lý với một dự án lớn gây ra rủi ro pháp lý với Công ty và làm thiệt hại cho cổ đông là trách nhiệm trước tiên thuộc về Ban lãnh đạo LDG. Đã từ nhiều năm nay, các công ty bất động sản tại TP.HCM luôn cẩn trọng với vấn đề pháp lý dự án.
Pháp lý chưa sạch, chưa triển khai dự án. Sự cố vi phạm pháp lý dự án Viva Park cho thấy sự thiếu cẩn trọng của Ban lãnh đạo LDG, cổ đông nhỏ hoàn toàn có thể khởi kiện vì sự cố này mà bị thiệt hại khi giá cổ phiếu giảm.
ESOP của LDG: Thưởng trùng thưởng
Theo quy định kế toán Việt Nam hiện hành, khi doanh nghiệp thưởng tiền mặt sẽ làm giảm lợi nhuận sau thuế. Còn trường hợp phát hành ESOP như của LDG, không làm giảm lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
Trong khi đó, Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) yêu cầu, doanh nghiệp phát hành ESOP phải ghi nhận chi phí theo từng giai đoạn sát với thời gian gắn liền với kỳ ESOP đó. Như vậy, ESOP là một loại chi phí và khi phát hành, doanh nghiệp sẽ phải ghi nhận giảm lợi nhuận trong kỳ trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất.
Tại Việt Nam, nếu áp dụng đúng bản chất ESOP sẽ dẫn tới tăng chi phí, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và từ đó có thể ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, cũng như chính sách khen thưởng cho ban lãnh đạo và hội đồng quản trị.
Trong trường hợp LDG, doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2017 là 113,4%, năm 2018 là 109,1%, năm 2019 là 100,5% và năm 2020 là 1,8%. Nếu áp dụng quy định về ESOP theo IFRS sẽ dẫn tới giảm số tiền thưởng cho Ban lãnh đạo, Hội đồng quản trị giai đoạn 2017 - 2019.
ESOP được xem là công cụ hữu hiệu đối với các doanh nghiệp khi vừa giúp giữ được nhân sự giỏi, vừa có thể tăng vốn điều lệ mà không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Nhưng để phản ánh hết bản chất của ESOP và cân bằng quyền lợi cổ đông và người lao động thì cần phải thực hiện theo thông lệ quốc tế. Khi đó, cổ đông và nhà đầu tư sẽ có góc nhìn khách quan hơn, chân thực hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.