Thuê người chuyển khoản tiền giả
Ngày 16/7, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Bùi Văn Dư (SN 1993, ở huyện Ý Yên, Nam Định) 4 năm tù và Lưu Xuân Tùng (SN 1992, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) 3 năm tù về tội Lưu hành tiền giả.
Theo cáo trạng, Dư và Tùng làm cùng tại Công ty Thịnh Vượng nên quen biết nhau. Khoảng đầu tháng 8/2020, Dư liên hệ với một đối tượng trên mạng xã hội Facebook, mua 5 triệu đồng tiền giả, với giá 1 triệu đồng. Để tiêu thụ số tiền này, Dư đưa cho Tùng 3 triệu đồng tiền giả và 2 triệu đồng tiền thật, mục đích thuê người để chuyển khoản 5 triệu đồng vào tài khoản của Tùng nhằm rút tiền thật ra để sử dụng.
Thực hiện mục đích trên, Tùng đã liên hệ với anh Đoàn Mạnh Hà (ở quận Long Biên) thuê chuyển khoản số tiền 5 triệu đồng với tiền công là 100.000 đồng. Hai bên hẹn gặp tại khu vực đầu phố Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên để thực hiện giao dịch trên.
Khoảng 13h ngày 8/8/2020, Tùng đi cùng bạn ra chỗ hẹn để gặp anh Hà. Tại đây, Tùng đã đưa cho anh Hà 10 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, trong đó có 6 tờ tiền giả và 100.000 đồng tiền công. Khi anh Hà đang thực hiện giao dịch chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản của Tùng thì anh Hà có biểu hiện nghi ngờ tiền giả.
Thấy vậy, Tùng và bạn liền lập tức bỏ đi. Sau đó Tùng gọi điện cho anh Hà đe dọa về việc chưa chuyển tiền vào tài khoản. Sinh nghi nên anh Hà cầm số tiền trên đến Công an phường Bồ Đề trình báo.
Ngày 10/12/2020, Tùng và Dư đến cơ quan công an đầu thú. Dư khai nhận, sau khi biết Tùng đi tiêu thụ tiền giả thì bị phát hiện nên bị cáo đã tiêu hủy 2 triệu đồng tiền giả còn lại. Do không thu giữ được số tiền này nên cơ quan điều tra không buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi lưu hành 2 triệu đồng tiền giả. Hai bị cáo bị truy tố về hành vi lưu hành 3 triệu đồng tiền giả.
Được biết, Dư có 2 tiền án về tội Trộm cắt tài sản và Mua bán trái phép chất ma túy.
“Trắng trợn” nộp tiền giả vào ngân hàng
Vào đầu tháng 7/2021, Báo Đồng Nai đưa tin về nhóm tiêu thụ tiền giả với thủ đoạn tinh vi gồm Huỳnh Tấn Phát, Dương Thị Cẩm Thu, Diệc Triển Danh và Lý Văn Lợi.
Theo điều tra, sáng 5/4, một phòng giao dịch của ngân hàng thương mại tại Khu công nghiệp Amta (TP Biên Hòa) trình báo cơ quan công an về việc đơn vị này phát hiện một khách hàng mang 31,5 triệu đồng tiền gửi vào tài khoản nhưng nghi là tiền giả.
Công an vào cuộc và xác minh khách hàng là anh K. (ở Biên Hòa) đã đến phòng giao dịch trên để gửi tiền vào tài khoản. Anh K. trình bày anh là tài xế ô tô. Tối 4/4, anh chở 2 vị khách. Họ đã nhờ anh K. chuyển giùm số tiền 30 triệu đồng vào tài khoản cho một người khác. Anh K. nhận số tiền mặt này rồi đến phòng giao dịch ngân hàng để nộp tiền thì phát hiện là tiền giả.
Lần theo các thông tin trên tài khoản, công an phát hiện ổ nhóm trên. Tại cơ quan điều tra, Lợi khai nhận đã mua 105 triệu đồng tiền giả với giá 30 triệu đồng. Lợi đã “trộn” tiền giả và thật để trả tiền mua ma túy cho Phát và Thu.
Hai đối tượng Phát và Thu đã mượn tài khoản của Danh để chuyển khoản số tiền giả để lấy tiền thật.
Mua hàng siêu thị để tiêu thụ tiền giả
Một trong những phương thức tiêu thụ tiền giả phổ biến là mua hàng hóa. Trước đó, vào tháng 6/2021, TAND TP Hà Nội cũng xử phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1987, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) mức án 7 năm tù, Nguyễn Thị Hồng Loan (SN 1971, ở quận Ba Đình) và Điêu Văn Toàn (SN 1976, ở quận Ba Đình) 4 năm tù về hành vi tiêu thụ tiền giả.
Quá trình xét xử các bị cáo khai nhận, khoảng tháng 4/2020, khi đến chỗ ở của Hùng chơi thì Toàn thấy Hùng đang làm tiền giả. Toàn hỏi mua của Hùng 4,5 triệu đồng tiền giả với giá 500.000 đồng rồi đưa cho Loan tiêu thụ.
Bị cáo Loan thừa nhận, trong các ngày 23/10/2021, 26/10/2021 và ngày 31/10/2021 bị cáo đã cầm các tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng đi mua hàng tại siêu thị Vinmart (tại phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình). Các nhân viên bán hàng của siêu thị nghi ngờ số tiền Loan thanh toán là tiền giả nên trình báo cơ quan công an.
Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”