Vietnam Airlines đặt quyết tâm mở đường bay tới Hoa Kỳ sớm nhất có thể (ảnh minh họa)

Vietnam Airlines đặt quyết tâm mở đường bay tới Hoa Kỳ sớm nhất có thể (ảnh minh họa)

Lập đường bay thẳng tới Hoa Kỳ: Sân chơi kén người

Sẽ cần thêm khoảng 2 - 3 năm nữa để các hãng hàng không trong nước hiện thực hóa tham vọng mở chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên từ Việt Nam tới các thành phố tại Hoa Kỳ.

Một chặng đường dài

Ít phút sau khi Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink trao chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) cho Cục Hàng không Việt Nam vào cuối tuần trước, trên facebook của mình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đào Đình Bình đánh giá sự kiện này là một bước tiến mới trong hợp tác về hàng không dân dụng giữa hai nước.

Ông Đào Đình Bình chính là người cùng với Bộ trưởng Bộ Giao thông Hoa Kỳ ký Hiệp định hàng không giữa hai nước vào ngày 12/4/2003, mở ra cơ hội cho cả hai bên có thể mở đường bay thẳng đến nhau. Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 18/3/2004, quy định các điều kiện pháp lý cơ bản đối với các hoạt động hàng không giữa hai nước. 8 năm sau, Hiệp định được sửa đổi theo hướng không hạn chế về thời hạn hiệu lực của Hiệp định.

Trước đó, ngày 23/6/2007, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn gửi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội thông báo các điểm khai thác trực tiếp của Vietnam Airlines trên các đường bay đi/đến Hoa Kỳ với tần suất 7 chuyến/tuần và khai thác tới 25 điểm tại nước này trên cơ sở hợp tác liên danh (codeshare).

Một trong những điều kiện quan trọng để khép lại lộ trình mở đường bay thẳng tới Hoa Kỳ là cơ quan quản lý nhà nước về hàng không Việt Nam phải được FAA công nhận đạt CAT 1. Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, FAA quy  định nếu nhà chức trách hàng không một quốc gia được đánh giá đạt CAT 1 thì các hãng hàng không của quốc gia đó được quyền mở các đường bay mới tới Hoa Kỳ. Đây là  yêu cầu bắt buộc của Hoa Kỳ, bên cạnh sự giám sát, quản lý an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Cụ thể, nếu các hãng hàng không của quốc gia đang có đường bay tới Hoa Kỳ thì được quyền tăng chuyến. Nếu hãng hàng không Việt Nam đang liên danh khai thác với hãng hàng không Hoa Kỳ thì được khai thác bằng máy bay có quốc tịch Việt Nam (khi chưa đạt CAT 1 thì chỉ được khai thác liên danh bằng máy bay quốc tịch Hoa Kỳ).

Được biết, bắt đầu từ năm 2012, Cục Hàng không Việt Nam đặt ra mục tiêu là phải sớm có được CAT 1 trên cơ sở sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tập đoàn Boeing. Sau 2 lần đánh giá kỹ thuật (năm 2013 và cuối năm 2017), vào tháng 11/2018, FAA thực hiện thanh sát chính thức đối với Cục Hàng không Việt Nam. Qua thanh sát chính thức, FAA kết luận, Cục Hàng không Việt Nam đáp ứng được 8 yếu tố căn bản, trọng yếu của ICAO về lĩnh vực khai thác máy bay, trong đảm bảo an toàn hàng không.

Mỹ qua và qua Mỹ

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc nhận được CAT 1 là một thành tựu quan trọng và là kết quả nhiều năm làm việc tích cực để hoàn thiện chính mình trong công tác quản lý an toàn của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT.

“Ngoài việc thỏa mãn một điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không của Việt Nam được phép mở đường bay đến Hoa Kỳ, đây là sự công nhận của quốc tế về an toàn hàng không, cho thấy Việt Nam đã hội nhập thành công, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quốc tế;  khẳng định vị thế, uy tín không chỉ của ngành hàng không Việt Nam, của Bộ GTVT, mà còn của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Thể cho biết.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ, với CAT 1 của FAA, các hãng hàng không Việt Nam có thể mở đường bay tới Hoa Kỳ sau khi hoàn thành các bước cần thiết, bao gồm việc các sân bay Việt Nam phải được Cục Quản lý an ninh giao thông Hoa Kỳ xác nhận tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh và các thông lệ được khuyến nghị  của ICAO; các hãng hàng không Việt Nam được Bộ Giao thông Hoa Kỳ cấp thẩm quyền kinh tế.

Tuy nhiên, CAT 1 chỉ là điều kiện tiên quyết về mặt kỹ thuật để các hãng hàng không của Việt Nam bay đến Hoa Kỳ, còn về mặt khai thác thương mại, trên thực tế, các hãng hàng không của Hoa Kỳ hoàn toàn có đủ điều kiện để bay đến Việt Nam. Cách đây 7-8 năm, United Airlines và Delta Airlines đã từng bay đến Việt Nam, nhưng sau đó dừng khai thác vì không hiệu quả. Với thời gian bay kéo dài, bay đến Hoa Kỳ chưa bao giờ là cuộc chơi của các hãng hàng không giá rẻ, không chỉ tại Việt Nam, mà cả các nước trong khu vực châu Á. Tại khu vực Đông Nam Á, sau khi Malaysia Airlines dừng đường bay do thua lỗ lớn, Singapore Airlines là hãng duy nhất có đường bay tới Hoa Kỳ.

Trong số 3 hãng hàng không trong nước có đường bay quốc tế, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) là đơn vị có sự chuẩn bị đầu tư bài bản, nghiêm túc nhất trong nỗ lực thiết lập đường bay thẳng tới Hoa Kỳ.  

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong cả quá trình 10 năm vừa rồi, Hãng hàng không Quốc gia luôn quan tâm, đầu tư chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, thương mại, kể cả mở văn phòng ở Hoa Kỳ vào năm 2001.

“Mặc dù chưa có đường bay thẳng, nhưng từ năm 1996, Vietnam Airlines đã hợp tác với các hãng hàng không để nối chuyến, có các sản phẩm phục vụ đường bay mặc dù chưa được nhiều. Vietnam Airlines đang liên danh với Delta Airlines từ Việt Nam đến các sân bay ở Nhật như Narita, qua châu Âu với Frankfurt đến 15 điểm ở Hoa Kỳ. Lần này, khi có CAT 1 của FAA, Delta Airlines đã có thể đăng ký codeshare của họ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Vì vậy, độ bao phủ của sản phẩm codeshare của hai hãng ở thị trường Hoa Kỳ về Việt Nam sẽ được mở rộng rất lớn”, ông Thành đánh giá.

Được biết, sau khi đạt được CAT1, rào cản lớn nhất đối với các hãng hàng không Việt Nam trong việc mở các đường bay thẳng tới Hoa Kỳ chính là yếu tố kỹ thuật và hiệu quả kinh tế.

Theo bà Ngô Thu, người từng chủ trì nghiên cứu mở đường bay tới Hoa Kỳ của Vietnam Airlines, Việt Nam cùng với Singapore, Thái Lan, Malaysia là những nước có vị trí địa lý bất lợi để bay tới Hoa Kỳ. Nếu như chiều từ Việt Nam tới Hoa Kỳ được đánh giá là thuận lợi thì chiều từ Hoa Kỳ về bị ngược gió, nhất là vào mùa Đông, giờ bay có thể lên đến 16h30 phút. Hiện không một tàu bay thân rộng nào có thể bay đủ tải đi/đến Los Angeles và San Francisco, kể cả siêu tàu bay thân rộng như Airbus A380.

“Với các tàu bay thân rộng hiện hữu như Airbus A350 hay B787, hãng hàng không chỉ có 2 lựa chọn, hoặc phải bớt ghế hành khách, hoặc dừng một điểm giữa đường. Điều đáng nói là cả 2 đều khó đảm bảo hiệu quả kinh tế, bởi một đằng thì giảm doanh thu, một đằng là phát sinh chi phí do mất thêm một lần hạ/cất cánh”, bà Thu cho biết.

Chia sẻ quan điểm này, ông Anthony Trần đang sinh sống tại TP. San Jose, tiểu bang California cho biết, Việt kiều tại Hoa Kỳ rất mong chờ đường bay thẳng giữa hai nước, nhất là đường bay do một hãng hàng không trong nước khai thác. Tuy nhiên, ông Trần cho biết, với tính thực dụng của người Mỹ, giá cả là yếu tố mang tính quyết định. Bên cạnh đó, trong trường hợp, giá vé của hãng hàng không Việt Nam tương đương với giá của các hãng nước ngoài như Eva Air hay Korean Airlines, họ sẽ chọn các hãng hàng không 5 sao tên tuổi, có chất lượng dịch vụ đã được khẳng định.

Mặc dù vậy, Vietnam Airlines vẫn đặt quyết tâm mở đường bay tới Hoa Kỳ sớm nhất có thể, coi đây là trách nhiệm chính trị của Hãng hàng không Quốc gia.

“Như đã nói, chúng tôi đã rất tích cực nghiên cứu và chuẩn bị trong nhiều năm nay. Khó khăn hiện nay là chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở được đủ khách và hàng. Chúng tôi đã tích cực trao đổi với Boeing, Airbus và các hãng về động cơ tàu bay để xem khi nào có loại máy bay có sự thay đổi về mặt kỹ thuật thích hợp. Thời điểm sớm nhất mà họ đưa ra cũng phải là năm 2022. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có tàu bay để bay được trực tiếp mà có đủ tải, nếu như phần hiệu quả nằm trong phạm vi hệ thống đường bay của Vietnam Airlnes có thể bù trừ cho nhau được, thì chúng tôi sẽ tiến hành khai thác”, ông Thành cho biết.

Bay sang Hoa Kỳ như thế nào?

Hiện dung lượng thị trường của Việt Nam đạt khoảng 800.000 lượt khách/năm, trong đó dung lượng hành khách giữa Việt Nam - Los Angeles là lớn nhất với khoảng 150.000 lượt khách/năm, sau đó là San Francisco khoảng 100.000 lượt khách/năm. Hai điểm cầu này chiếm khoảng 33% dung lượng thị trường hai nước.

Do yếu tố kinh tế, trên thị trường hiện chưa có hãng nào thực hiện bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ, khách chủ yếu sử dụng sản phẩm có 1 điểm dừng. Cụ thể, với các đường bay đến bờ Tây (San Francisco, Los Angeles), hãng hàng không thường trung chuyển qua các cửa ngõ: Đài Bắc (Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Trong khi đó, các đường bay đến New York, Boston thuộc bờ Đông nước Mỹ, hành khách có thể trung chuyển tại Nhật Bản, Hồng Kông hoặc các nước châu Âu như Pháp, Đức. Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3-5 giờ, tổng thời gian bay khoảng 17 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25-38 giờ.

Tin bài liên quan