Người đứng đơn khởi kiện CTCP Khóa Việt Tiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là bà Nguyễn Thị Thơ. Nội dung đơn thể hiện, bà Thơ bắt đầu làm việc tại Công ty từ năm 2002. Sau nhiều năm ký hợp đồng lao động với thời hạn 12 tháng liên tục, từ ngày 15/7/2009, bà Thơ được Công ty ký hợp đồng không xác định kỳ hạn.
Cuối năm 2012, bà Thơ nghỉ thai sản để sinh con thứ ba. Hết thời hạn nghỉ theo quy định, bà Thơ quay lại làm việc song không được Công ty tiếp nhận với lý do “cứ ở nhà nghỉ, Công ty sẽ trả lương cơ bản hết tháng 12/2013”.
Đầu năm 2014, bà Thơ tiếp tục đến Công ty nhưng nhận phản hồi “không sắp xếp được việc làm”.
Thời gian này, bà Thơ nhiều lần lên hỏi Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty, sau đó làm đơn khiếu nại lên công đoàn, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP. Hà Nội.
Đến ngày 22/10/2014, bà Thơ nhận được Quyết định số 321 về việc Công ty chấm dứt hợp đồng đối với bà. Một năm sau, bà Thơ khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Đông Anh yêu cầu hủy quyết định trên.
Theo lý lẽ bị đơn, năm 2014, CTCP Khóa Việt Tiệp thay đổi công nghệ, chia tách các bộ phận sản xuất. Đại diện Công ty khẳng định đã niêm yết thông báo tại các phòng ban. Công ty cũng có đơn trình lên Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP. Hà Nội phương án sắp xếp lao động dôi dư, danh sách sử dụng lao động. Việc lên phương án tổ chức lại sản xuất được lập từ tháng 7 và đến ngày 25/9/2014 chốt danh sách. Theo đó, có 716 lao động tiếp tục được sử dụng và 15 người bị chấm dứt hợp đồng.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng, thời điểm Công ty tái cơ cấu công nghệ trùng với thời gian bà Thơ nghỉ thai sản. Bà Thơ không lên Công ty làm việc, thể hiện qua việc không chấm công. Đối với trường hợp này, Công ty đã tính trợ cấp từ năm 2002 - 2009 cho bà Thơ với số tiền 21,8 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Thơ không đến nhận chế độ. Đại diện Công ty khẳng định việc chấm dứt hợp đồng đối với bà Thơ và toàn bộ số lao động trên là đúng pháp luật.
Bên cạnh khiếu kiện này, nhiều tranh cãi cũng nổ ra xung quanh quy định cấm sinh con thứ ba của Công ty. Thỏa ước giữa Công ty và người lao động có điều khoản thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động vi phạm kỷ luật.
Công ty cho rằng, việc bà Thơ sinh con thứ 3 đã vi phạm quy định, đương nhiên bị kỷ luật. Tuy nhiên nếu với lý do trên, bà Thơ chỉ được thanh toán nửa tháng lương. Do trùng thời điểm tái cơ cấu, việc Công ty ra Quyết định 321 là tính toán theo hướng có lợi cho người lao động. Còn theo bà Thơ, Công ty đã “tự vẽ” phương án tái cơ cấu để hợp pháp hóa việc sa thải người lao động.
Công ty cho rằng, việc bà Thơ sinh con thứ 3 đã vi phạm quy định, đương nhiên bị kỷ luật.
Năm 2015, Tòa án nhân dân huyện Đông Anh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thơ Sau đó, nguyên đơn tiếp tục kháng án lên cấp phúc thẩm - Tòa án nhân dân TP. Hà Nội với yêu cầu: CTCP Khóa Việt Tiệp nhận bà quay lại làm việc, thanh toán tiền lương từ ngày 1/1/2014 đến năm 2016. Quá trình giải quyết tại giai đoạn phúc thẩm, tòa án đã gửi công văn đến Sở Lao động -Thương binh - Xã hội TP. Hà Nội xác minh thông báo của CTCP Khóa Việt Tiệp về phương án thay đổi công nghệ, sắp xếp lao động và xác định trước khi có quyết định chấm dứt hợp đồng với một số lao động, Công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và đúng quy định.
Vì vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã bác kháng án của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Được biết, tiền thân của CTCP khóa Việt Tiệp là Xí nghiệp Khóa Hà Nội, thành lập năm 1974 do Cục Công nghiệp Hà Nội quản lý. Công ty đã tiến hành cổ phần hóa từ năm 2005.