Lãnh đạo Tập đoàn CEO: Mục tiêu doanh thu 8.000 tỷ đồng năm 2021

Lãnh đạo Tập đoàn CEO: Mục tiêu doanh thu 8.000 tỷ đồng năm 2021

(ĐTCK) Ông Tạ Văn Tố, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO) cho biết, mục tiêu của Tập đoàn CEO đến năm 2021 quy mô doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 800 tỷ đồng, tổng tài sản đạt mức 13.800 tỷ đồng.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, Tổng giám đốc Tập đoàn chia sẻ, CEO cơ cấu lại các lĩnh vực hoạt động, từ 2 trụ cột ban đầu là bất động sản và giáo dục đào tạo gắn với xuất khẩu lao động, thành 5 lĩnh vực trụ cột bao gồm: Bất động sản, Bất động sản nghỉ dưỡng, Xây dựng, Du lịch và quản lý khách sạn, Phát triển nguồn nhân lực.

Hiện CEO đang triển khai 20 dự án bất động sản và bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng CEO phát triển các dự án tại Phú Quốc, Vân Đồn-Quảng Ninh, Nha Trang, Cần Thơ, Quảng Bình... với thương hiệu Sonasea. Mục tiêu đưa vào thị trường 3.000-5.000 phòng nghỉ dưỡng vào năm 2021. 

Nói về tỷ lệ lấp đầy, lãnh đạo CEO cho biết, ngày 18/1/2016 khai trương khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Novotel đã đạt tỷ lệ 60% - là con số ấn tượng cho khách sạn vận hành trong năm đầu tiên. Quý I/2019, công suất lấp đầy 80%, tổng kết từ đầu năm đến nay khoảng 73% ở Novotel.

Đầu năm 2019, CEO khai trương khách sạn Best Western Premier Sonasea Phu Quoc, đến nay số lượng đơn phòng mỗi tháng đều đang cải thiện tốt hơn. 

Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về việc Vân Đồn, Phú Quốc có trở thành đặc khu hay không, điều này ảnh hưởng tới các dự án công ty triển khai không? Ông Tố cho biết, Vân Đồn và Phú Quốc đang trở thành những khu kinh tế phát triển, số lượng khách du lịch đến Phú Quốc đang rất lớn, số lượng khách trung bình tăng trưởng mỗi năm tốt.

Bên cạnh đó, sân bay Phú Quốc theo kế hoạch đến 2020 mới cần nâng cấp để đón khoảng 5 triệu lượt khách/năm. Thực tế thì ngay từ năm 2017 đã nâng cấp để đủ điều kiện đáp ứng với lượt khách tăng lên, năm 2018 đã hoàn thành nâng cấp giai đoạn 2. Đặc biệt Vân Đồn cũng đã có sân bay quốc tế, có chuyến bay thẳng từ thành phố lớn đến với Vân Đồn. 

Chính vì vậy, CEO cũng đón đầu xu thế bằng cách đầu tư các dự án ở đây, đóng góp tốt vào doanh thu, lợi nhuận của công ty. Theo đó, Phú Quốc, Vân Đồn sẽ phát triển dù có trở thành đặc khu hay không. 

Còn bất động sản đô thị, CEO tiếp tục hoàn thiện các giai đoạn của dự án Khu đô thị River Silk City có quy mô 126 ha tại Thành phố Phủ Lý - Hà Nam và Khu đô thị Sunny Garden City quy mô 22,4 ha tại Quốc Oai - Hà Nội.

Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý và đầu tư bổ sung những dự án tiềm năng khu đô thị Mê Linh Springville quy mô 20,3 ha tại Mê Linh – Hà Nội; dự án Khu đô thị Riverine Can Tho City quy mô 99,86 ha tại Cần Thơ...

Mới đây, CEO đã có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 102,93 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ phát hành 3:2, giá chào bán ra công chúng 10.000 đồng/cổ phần.

Nguồn vốn huy động được sử dụng góp vốn vào các công ty con (doanh nghiệp dự án tại các tỉnh thành); rót vốn cho các dự án River Silk City phân kỳ 4-5-6 (tổng quy mô 126 ha, đã triển khai phân kỳ 1-2-3, trong đó phân kỳ 1 đã hoàn thành cả phần hạ tầng và kinh doanh, còn phân kỳ 2-3 sẽ đóng góp doanh thu, lợi nhuận trong năm 2019-2020), và bổ sung vốn lưu động. 

Phát triển nhiều dự án khiến cổ đông e ngại về câu chuyện nợ vay và dòng tiền của CEO. Tuy nhiên, lãnh đạo CEO cho biết, cơ cấu nợ vay của công ty là an toàn, tổng nợ vay ngắn và dài hạn khoảng 2.200 tỷ đồng, nhưng Tâp đoàn cũng có khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 1.100 tỷ đồng (chủ yếu là hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn). So với quy mô vốn chủ sở hữu gần 2.300 tỷ đồng, tổng tài sản 8.700 tỷ đồng thì tỷ lệ nợ vay trên không đáng ngại.

Ngoài ra, CEO cũng hợp tác tốt với các đối tác uy tín hàng đầu tại Việt Nam như BIDV, VietinBank…

Tin bài liên quan