Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Lãnh đạo mua vào cổ phiếu: Đũa thần đã kém thiêng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu thường khiến nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng vào doanh nghiệp, từ đó đẩy giá cổ phiếu tăng, nhưng bối cảnh thị trường năm nay đã khác, hiệu ứng cũng khác.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu

Một số lãnh đạo chủ chốt của Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn Địa ốc (mã AAV) vừa đăng ký mua vào cổ phiếu. Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua 960.000 cổ phiếu; ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc đăng ký mua 1,79 triệu cổ phiếu AAV trong thời gian từ 12/5 - 10/6/2021. Ông Nguyễn Trọng Điều, Phó tổng giám đốc đăng ký mua 500.000 cổ phiếu từ ngày 10/5 - 8/6/2021.

Hiện ông Hải đang nắm giữ 29% vốn tại AAV (9,24 triệu cổ phiếu), ông Tuấn Anh sở hữu 1,8% vốn (575.000 cổ phiếu), trong khi ông Điều chưa sở hữu cổ phiếu nào của Công ty. Nếu giao dịch được thực hiện, tỷ lệ sở hữu của ông Hải tại AAV sẽ nâng lên 32,01%, ông Tuấn Anh là 7,4% và ông Điều là 1,57%.

Động thái đăng ký mua vào của lãnh đạo AAV diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu của Công ty giảm 14,2% sau một tháng lập đỉnh. Tại thời điểm 11/5/2021, giá cổ phiếu này là 14.500 đồng/cổ phiếu.

Động thái đăng ký mua vào của lãnh đạo AAV diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu của Công ty giảm 14,2% sau một tháng lập đỉnh.

Mới đây, ông Bùi Minh Tuấn, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Transimex (mã TMS) cũng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu TMS. Bà Nguyễn Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trang (TFC) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu trong bối cảnh nhiều phiên liên tiếp cổ phiếu này nằm sàn.

Trước đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành việc gia tăng sở hữu. Chẳng hạn, ông Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG) đã hoàn tất đợt mua vào 3 triệu cổ phiếu HNG qua hình thức khớp lệnh trên sàn trong thời gian từ 7/4 - 5/5/2021.

Thời điểm ông Đức đăng ký mua vào, thị giá HNG đã giảm tới 30% so với mức 17.200 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi đầu tháng 1/2021.

Tại Công ty cổ phần Phục Hưng Holdings (mã PHC), ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã mua 300.000 cổ phiếu trong tổng số 1 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 3.741.768 cổ phiếu (tỷ lệ 14,53%). Giao dịch thực hiện từ 13/4 - 10/5/2021.

Ông Lương Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã DHC) đã mua vào 152.000 cổ phiếu DHC từ ngày 26/4 đến 10/5/2021...

Hiệu ứng năm nay cũng khác

Mua vào cổ phiếu là động thái được nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện khi thị giá cổ phiếu giảm sâu.

Đặc biệt, vào thời điểm này năm ngoái, sau khi hàng loạt cổ phiếu giảm sốc bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào cuối quý I, đầu quý II/2020, thị trường chứng khoán chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ, lãnh đạo doanh nghiệp gia tăng sở hữu.

Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), khi thị giá cổ phiếu rơi xuống 7.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 1/4/2020, doanh nghiệp đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ. Đồng thời, con trai và anh trai Chủ tịch HBC đã mua vào 6 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp.

Nhóm lãnh đạo Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM) cũng đăng ký mua vào 1,4 triệu cổ phiếu VNM khi cổ phiếu này sụt giảm 25% thị giá hồi tháng 3/2020. Trong đó, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua nhiều nhất, với 400.000 cổ phiếu. Trước đó, bà Mai Kiều Liên được biết đến là lãnh đạo điều hành, quản lý ít giao dịch cổ phiếu.

Sau khi bầu Đức mua vào, giá cổ phiếu HNG chỉ "tím" trong phiên 12/5, lên 11.500 đồng/cổ phiếu, rồi lại quay về sắc đỏ, với mức giá đóng cửa tuần qua là 11.000 đồng/cổ phiếu.

Việc cổ đông nội bộ của doanh nghiệp gia tăng cổ phiếu thường khiến cổ đông an tâm hơn về doanh nghiệp và thu hút được sự chú ý với giới đầu tư. Bởi theo logic, lãnh đạo doanh nghiệp là những người hiểu rõ nhất về doanh nghiệp nên việc gia tăng sở hữu đồng nghĩa với việc tiềm năng của doanh nghiệp tốt, cổ phiếu có dư địa tăng trưởng.

Trong đợt phục hồi của thị trường chứng khoán năm ngoái, ngoài việc các cổ phiếu rơi xuống vủng đáy và nhờ dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư F0, thì không thể phủ nhận có lực đỡ quan trọng là việc doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu.

Nhìn vào diễn biến các cổ phiếu có hoạt động mua vào của lãnh đạo doanh nghiệp thời gian qua, có thể thấy việc lãnh đạo muốn gia tăng sở hữu đã giúp thị giá cổ phiếu này phục hồi (PHC, TFC) hoặc xác lập được đà tăng tốt như DHC.

Song “cây đũa thần” này có phần kém thiêng tại một số cổ phiếu như HNG. Giá cổ phiếu này chỉ "tím" trong phiên 12/5, lên 11.500 đồng/cổ phiếu, rồi lại quay về sắc đỏ, với mức giá đóng cửa tuần qua là 11.000 đồng/cổ phiếu.

Thị giá cổ phiếu tăng trưởng do nhiều yếu tố, trong đó có nội lực doanh nghiệp, các thông tin tích cực có tác động đến sóng ngành và các yếu tố hưởng lợi.

Nhất là trong bối cảnh này, dù thị giá của nhiều cổ phiếu giảm khá mạnh so với mức đỉnh hồi đầu năm 2021 nhưng vẫn ở mặt bằng khá cao thì hiệu ứng của việc lãnh đạo gia tăng sở hữu không còn mạnh như thời điểm này năm ngoái.

Tin bài liên quan