Ông nghĩ thế nào khi mới đây, Bộ Công thương công bố mức thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ là 74,73 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 23,44 triệu đồng/tháng?
Anh là công chức đang làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước lương “ba cọc, ba đồng”. Một ngày “đẹp trời” nào đó được bổ nhiệm làm đại diện vốn chủ sở hữu tại DN nhà nước và được bầu vào ban lãnh đạo, giữ các vị trí quan trọng mà mỗi tháng có thu nhập mấy chục triệu đồng, chưa kể các khoản thu nhập vật chất, tinh thần khác, thì không phải là “chuột sa chĩnh gạo, mà là chuột sa chĩnh vàng”.
Tuy nhiên, nếu hoạt động kinh doanh hiệu quả, thì rất hoan nghênh, vì thu nhập cao gắn với hiệu quả lớn do sản xuất, kinh doanh đem lại là ích nước, lợi người quản lý và cả người lao động.
Giải trình về mức thu nhập nêu trên, Bộ Công thương cho biết đã căn cứ vào Nghị định 51/2013/NĐ-CP, tức là thu nhập của các viên chức lãnh đạo DN trực thuộc Bộ Công thương thực hiện theo đúng quy định?
Theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP về việc quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý doanh nghiệp, lương của viên chức quản lý DN nhà nước tối đa là 36 triệu đồng/tháng, nếu DN hoạt động hiệu quả, thì được chi trả tiếp 50% của mức lương tối đa, tức là mỗi tháng thêm 18 triệu đồng nữa, tổng cộng là 54 triệu đồng/tháng.
Chưa cần nói mức lương này cao hay thấp, nhưng cách trả lương như hiện nay, theo tôi, là chưa căn cứ vào hiệu quả, vì tiền lương là phản ánh kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mà viên chức làm đại diện phần vốn chủ sở hữu nhà nước.
Với cách tính lương như hiện nay, dù DN có hoạt động thua lỗ, thì viên chức quản lý DN nhà nước vẫn được nhận lương rất cao so với thu nhập bình quân của xã hội. Ngược lại, nếu hiệu quả cao, lợi nhuận lớn liệu họ có được tiền lương cao hơn không?
Đây là vấn đề phải bàn. Tuy nhiên, nếu 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, thì phải xem xét có bổ nhiệm lại không. Nhưng trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện theo quy định.
Nghị định 51 quy định mức lương tối đa của lãnh đạo DN nhà nước chỉ 57 triệu đồng/tháng, tại sao thu nhập bình quân của lãnh đạo TCT Dầu thực vật Việt Nam lên tới 60 - 65 triệu đồng/tháng?
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thu nhập của rất nhiều vị lãnh đạo DN nhà nước lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng, nên tôi đã bỏ công nghiên cứu và thấy rằng, có trường hợp lương cao là do hiệu quả kinh tế đem lại rất khuyến khích, nhưng cũng phải có giới hạn hợp lý; còn sở dĩ họ có mức lương khủng không từ hiệu quả là do họ hòa đồng tiền lương của khu vực quản lý DN với khu vực sản xuất, kinh doanh để xây dựng mức lương cho mình.
Đây là kẽ hở cần phải xử lý, nếu không xã hội vẫn tiếp tục bất bình với lương khủng của một số vị làm quản lý DN mà hiệu quả thấp.
Tôi muốn nói thêm rằng, lương là kết tinh của sức lao động, của trí tuệ, kinh nghiệm, năng lực quản lý, khả năng làm việc. Vì vậy, thấp hay cao phải đo bằng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mà người hưởng lương được giao làm quản lý, hoặc tham gia quản lý.
Dự thảo Luật DN (sửa đổi) dành hẳn một chương quy định về DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo ông, có cần thiết quy định nguyên tắc trả lương cho lãnh đạo DN nhà nước?
Bản chất của chương quy định về DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong Luật DN (sửa đổi) là xử lý mối quan hệ giữa chủ sở hữu nhà nước với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Trong đó, quan trọng nhất là xử lý mối quan hệ về tiền lương, thù lao hoặc tiền thưởng và các quyền lợi vật chất, tinh thần khác có liên quan của viên chức quản lý DN.
Vì vậy, Luật DN phải quy định rõ ràng, minh bạch nguyên tắc trả lương, cách xác định lương cho viên chức quản lý DN trên tinh thần khuyến khích họ làm việc theo nguyên tắc lương phải dựa vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN.