Thủ tục hành chính đang khiến nhiều doanh nghiệp trong KCN tại TP.HCM khốn khổ. Ảnh: Lê Toàn

Thủ tục hành chính đang khiến nhiều doanh nghiệp trong KCN tại TP.HCM khốn khổ. Ảnh: Lê Toàn

Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp - Bài 4: Virus trì trệ nguy hiểm không kém “virus Covid-19”

0:00 / 0:00
0:00
Mổ xẻ tình trạng lãng phí ngàn tỷ, xóa xổ cơ hội đầu tư trong khu công nghiệp, đại diện Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM thốt lên: “virus của sự trì trệ nguy hiểm không kém virus Covid-19”.

Cơ hội và nghịch lý

Tác động của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Savills Việt Nam (một doanh nghiệp tư vấn bất động sản lớn) nhận định, đại dịch kéo dài sẽ tiếp tục là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc và KCN, khu chế xuất (KCX) Việt Nam trở thành điểm đến sáng giá. Các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Cả Ban Quản lý các KCN-KCX TP.HCM (Hepza) và Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM (HBA) đều nhận định, đây là cơ hội vàng cho việc thu hút đầu tư vào KCN-KCX cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Điều đáng tiếc, theo Hepza, hiện TP.HCM không có nguồn cung mới về KCN, KCX. Tổng số KCN của TP.HCM vẫn giữ nguyên là 17 khu, cung cấp gần 4.000 ha đất công nghiệp cho thuê và không đủ cung cho các nhà đầu tư.

“Vậy nên, rất nghịch lý khi ở KCN Tây Bắc - Củ Chi, doanh nghiệp đã đền bù, giải tỏa và có đất sạch 60/67 ha, nhưng hồ sơ xin sổ đỏ cả năm nay vẫn chưa được hồi âm. KCN Hiệp Phước 2 có gần 200 ha đất sạch để xây dựng nhà máy, nhưng vẫn đóng băng, không làm được thủ tục cho nhà đầu tư thuê do vướng vấn đề trả tiền thuế đất một lần. Đất sạch tại KCN Lê Minh Xuân II và nhiều thửa đất sạch ở KCN Tân Phú Trung cũng không được làm sổ đỏ và doanh nghiệp không được hồi âm, giải đáp. Để như vậy, thì không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp đã vào trong KCN, mà còn khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại”, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA nói. Theo thống kê của HBA, UBND TP.HCM quy hoạch tổng diện tích khoảng 5.900 ha cho các KCN, nhưng hiện còn 2.400 ha.

Phải diệt virus trì trệ

Theo ông Nguyễn Văn Bé, mọi thủ tục về đất đai liên quan đến Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đều kéo dài, ách tắc, trước hết là ở Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM. Nhưng không chỉ đất đai, mà hiện các thủ tục về giấy phép đầu tư, môi trường, thủ tục lao động… cũng kéo dài quá lâu. “Virus Covid-19” cực kỳ nguy hiểm, nhưng Thủ tướng Chính Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn có loại virus nguy hiểm không kém, đó là virus của sự trì trệ. Hiện nay ở TP.HCM, về thủ tục hành chính, ban này ban kia, sở này sở nọ đang tạo ra sự trì trệ rất lớn.

“Vì thế, dù mở rộng đường để thu hút đầu tư, nhưng với cơ chế đầy rẫy thủ tục hiện nay, doanh nghiệp đang chạy lòng vòng. Tôi đã nói thẳng như vậy tại Hội nghị Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố năm 2021 hồi giữa tháng 3/2021”, ông Nguyễn Văn Bé vẫn còn bức xúc khi trao đổi với chúng tôi về gốc rễ của việc để lãng phí đất vàng KCN và bức xúc của doanh nghiệp trong KCN-KCX mà Báo Đầu tư phản ánh.

Liên quan vấn đề này, không chỉ ông Nguyễn Văn Bé, tại hội nghị nêu trên, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng cho rằng, các thủ tục liên quan đến KCN đều chậm khiến không ít nhà đầu tư chuyển sang các địa phương khác bởi nhanh và rẻ hơn. “Tôi biết có rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào KCN Hiệp Phước do KCN nằm gần đường cao tốc, nhưng thủ tục kéo dài quá lâu so với thời gian làm hồ sơ tại Long An, Đồng Nai, nên họ chuyển đi”, ông Trần Việt Anh thẳng thắn.

Còn đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông (HKBAV) nhận xét, TP.HCM chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài như mong đợi do rào cản về quy trình thủ tục xin cấp phép xây dựng, tình trạng ngập nước, giao thông ách tắc, nhiều dự án chậm trễ. Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, kéo dài trong các thủ tục về thuế, đất đai, xin giấy phép lao động, cấp visa cho người nước ngoài…

Giải pháp?

Ngoài “diệt virus trì trệ”, theo HBA, việc cần phải làm ngay liên quan đến cách tính giá đất. Luật giao cho địa phương được quyết định giá đất KCN-KCX theo nguyên tắc giá thị trường với 4 cách tính: theo giá đất liền kề; theo giá đất trục lộ chính đi ngang KCN; theo hệ số K; theo cộng lợi nhuận (tức tính hết chi phí KCN rồi cộng thêm 15% ra giá thành đất KCN).

“Tính kiểu gì thì giá cũng “đội lên trời”. Một KCN liền kề Khu đô thị Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, đất sản xuất mà tính giá bằng đất “vàng” đô thị thì “chết” rồi. Đó là chưa nói “giá thị trường” là rất mơ hồ. Giá đất thị trường biến động, năm nay khác, năm sau khác, không thể ổn định để nhà đầu tư tính giá thành. Trước đây có quy định 5 năm cho điều chỉnh giá một lần, nhà đầu tư biết trước để tiên liệu, xác định giá thành mà xây dựng nhà máy, tức có tính ổn định cao. Giá đất đối với KCN là vấn đề cần được xem xét giải quyết ngay”, ông Nguyễn Văn Bé kiến nghị.

Trước quy trình thủ tục hành chính lê thê, phức tạp của cơ quan quản lý nhà nước, Hepza đề xuất tăng cường tạo cơ chế một cửa cho ban quản lý các KCN-KCX bằng việc phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ quản lý nhà nước ở lĩnh vực môi trường và quy hoạch.

Cụ thể, với môi trường, Hepza được quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Với quy hoạch, Hepza sẽ được quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trong KCN, nhưng không làm thay đổi cơ cấu quy hoạch; phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án trong KCN thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo pháp luật về xây dựng.

Trong góc nhìn của mình, ông Nguyễn Văn Bé cho rằng, ủy quyền vậy chưa căn cơ. Lâu dài, bền vững là nên hình thành luật riêng cho KCX, KCN, khu kinh tế, khi đó sẽ giải quyết được mọi chuyện, bảo vệ được lợi ích doanh nghiệp trong KCN.

Tóm tắt 10 nhóm giải pháp được TP.HCM đề ra năm 2021 nhằm cải thiện môi trường đầu tư

1/ Công khai, minh bạch quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị; đôn đốc việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn; sử dụng hóa đơn điện tử và tích hợp thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ giữa chính quyền thành phố với hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

2/ Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn Thành phố. Thành phố sẽ tập trung ban hành các cơ chế phối hợp trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư; quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất; tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép; xây dựng, triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistic và Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3/ Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn; ban hành khung giá đất sát với thực tế thị trường; triển khai các công việc nhằm hoàn thiện các quy định làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử về đất đai....

4/ Ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, nộp thuế thu nhập cá nhân trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản phẩm; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung về quản lý doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố…

5/ Ban hành quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BTL/BLT cho các dự án đốt rác phát điện, xử lý rác thải, nước thải hay quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP sau khi các Nghị định hướng dẫn Luật được ban hành; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; trình HĐND Thành phố phê duyệt Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…

6/ Công khai nội dung của các đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành; thực hiện các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức…

7/ Tập trung triển khai Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành (công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hoá; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ; có cơ chế chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi về làm việc tại Thành phố; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động; khuyến khích đầu tư và hợp tác của các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề với quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo…

8/ Sẽ đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn; thực hiện hiệu quả quy định về hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp…

9/ Hoàn thiện thiết chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội…

10/ Khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh, lấy lại đà phát triển cho Thành phố.

Tin bài liên quan