Khu chế xuất Linh Trung 2, nơi doanh nghiệp đang kêu vì bị từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Khu chế xuất Linh Trung 2, nơi doanh nghiệp đang kêu vì bị từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp - Bài 3: Doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng “kêu trời”

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ chủ đầu tư các khu công nghiệp tại TP.HCM khốn đốn, mà các doanh nghiệp đầu tư tại đây cũng bị vạ lây khi không được tiếp nhận hồ sơ đất để thế chấp vay vốn.

Bài 3: Doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng “kêu trời”

Bỗng nhiên bị “vạ lây” khi không được tiếp nhận hồ sơ đất để thế chấp vay vốn, bị truy thu thuế do quy định “bất nhất” của cơ quan chức năng; “bó tay” trước chính sách ưu đãi kiểu “con gà hay quả trứng có trước” là những khó khăn khiến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp có dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) bị vuột mất.

Không vay được vốn do bị “vạ lây”

KCX Linh Trung 2 rộng khoảng 62 ha, nằm trong KCX Linh Trung (TP. Thủ Đức, TP.HCM, vốn được xem là có danh tiếng trong giới đầu tư khu vực châu Á). Dự án được khai thác năm 2000, đến nay đã lấp đầy diện tích.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho các doanh nghiệp tại KCX Linh Trung 2. Theo nhiều doanh nghiệp (đề nghị không nêu tên), điều này khiến họ không thể thế chấp tài sản của mình để tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất trong bối cảnh đã kiệt quệ vì đại dịch Covid-19.

Trao đổi về tình huống cơ quan quản lý không tiếp nhận xử lý hồ sơ đất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp TP.HCM (HBA) cho hay, điều này khiến doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà họ đã bỏ tiền đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp không thể sử dụng các tài sản này để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, trong khi đã khốn đốn vì Covid-19.

Nguyên nhân là, thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2018, ngày 17/7/2019, Thanh tra TP.HCM đã tiến hành thanh tra tại chủ đầu tư là Công ty Phát triển hạ tầng KCX Linh Trung 2 (Công ty Sepzone - Linh Trung) theo Quyết định Thanh tra số 119/QĐ-TTTP-P5 và đã có Kết luận thanh tra số 42/KL-TTTP-P5 ngày 18/12/2019.

Theo đó, Thanh tra đề nghị Công ty Sepzone - Linh Trung thực hiện thu nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với KCX Linh Trung 2 số tiền hơn 190 tỷ đồng (gồm tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp tiền sử dụng đất), do Công ty đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, chuyển đổi hơn 109.000 m2 từ đất công cộng sử dụng chung, không thu tiền sử dụng đất sang đất xây dựng công trình công nghiệp, chế xuất, dịch vụ, nên phải xác định nghĩa vụ tài chính.

Trao đổi với chúng tôi, một số luật sư cùng chung nhận định, sai phạm (nếu có) của chủ đầu tư không liên quan tới doanh nghiệp trong KCX Linh Trung 2. Đại diện Ban Quản lý các KCN, KCX TP.HCM (Hepza) cũng cho hay, đã gửi kiến nghị tới cơ quan chức năng TP.HCM, khẳng định: “Việc ngừng tiếp nhận hồ sơ về đất đai của toàn KCX Linh Trung 2 làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các dự án đầu tư tại đây, trong khi đa số các dự án này triển khai đúng quy hoạch đã được phê duyệt”.

Đáng nói, “tiếng kêu” trên đã cất lên từ giữa năm 2020 (Công văn số 1595/BQL-KHTH ngày 25/6/2020 của Hepza), nhưng tới giờ vẫn chưa được xử lý.

Khóc cười vì ưu đãi kiểu “con gà hay quả trứng có trước”

Sau khi rà soát các KCN có ngành điện tử, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký Văn bản số 537/UBND-DA ngày 23/2/2021 “kêu” với bộ, ngành liên quan. Theo đó, việc tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp điện tử đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, TP.HCM hiện có 89 dự án điện tử trong các KCN-KCX, sử dụng hơn 326 ha đất (gồm 39 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 3.734,61 tỷ đồng, 50 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 5.058,62 triệu USD, chủ yếu thuộc các tập đoàn đa quốc gia như Công ty TNHH Sản Xuất First Solar Việt Nam; Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam; Công ty TNHH Pepperl + Fuchs Việt Nam; Công ty TNHH Điện tử Samsung HCM CE Complex…).

Ông Võ Văn Hoan cho hay, theo quy định, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu, thì mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Dù tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn khó đáp ứng để được hưởng ưu đãi.

Trong khi đó, Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 20/3/2019 của Chính phủ quy định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa hướng dẫn các nội dung về mức hỗ trợ cụ thể, quy trình và thủ tục thực hiện đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ưu tiên xác lập quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng miễn phí máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ...

Với doanh nghiệp công nghệ cao cũng vậy. Theo Điều 18, Luật Công nghệ cao năm 2008, doanh nghiệp này phải hoạt động ít nhất 3 năm để có thể đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định. Trong khi đó, thời gian bắt đầu hoạt động lại là thời gian doanh nghiệp cần được hỗ trợ như vốn, hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đổi với máy móc thiết bị.

“Hồi tố” thuế và nguy cơ khiếu kiện từ các doanh nghiệp FDI

Theo Hepza, từ năm 2008 đến nay, phí duy tu, tái tạo hạ tầng KCX, KCN được thực hiện ổn định theo Quyết định số 43/2008/QĐ-BTC ngày 25/6/2008 của Bộ Tài chính về quy chế thu và sử dụng phí duy tu, tái tạo hạ tầng các KCX, KCN TP.HCM. Theo đó, phí duy tu dược quản lý riêng theo cơ chế chuyên thu, chuyên chi và không xem là doanh thu của công ty kinh doanh hạ tầng. Việc thu và sử dụng phí duy tu phải được kiểm toán và chịu sự giám sát của ban quản lý KCN-KCX.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 42/2008/QĐ-BTC ngày 25/6/2008 ban hành quy chế tự chủ kinh phí hoạt động của ban quản lý KCN-KCX. Theo đó, nguồn thu chủ yếu của ban này do các công ty kinh doanh hạ tầng trích nộp từ phí duy tu, tái tạo hạ tầng cơ sở, qua đó, giúp ban tự đảm bảo được kinh phí chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ các doanh nghiệp, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước; đồng thời tăng thu nhập cho công chức, người lao động.

Tuy nhiên, ngày 3/4/2019, Bộ Tài chính có Công văn số 3988/BTC-CST đề nghị UBND TP.HCM đề xuất bãi bỏ 2 quyết định nêu trên, đồng thời hướng dẫn các KCN, KCX thực hiện thu tiền sử dụng dịch vụ hạ tầng theo quy định pháp luật về giá.

Tới ngày 18/3/2019, Tổng cục Thuế có Công văn số 893/TCT-CS gửi Cục Thuế TP.HCM, nêu: “Kể từ ngày 1/1/2017, khoản thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng từ các doanh nghiệp trong KCN, KCX không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội XIII, mà chuyển sang cơ chế giá theo quy định pháp luật và thuộc đối tượng điều chỉnh của luật thuế”.

Ngày 3/4/2019, Cục Thuế TP.HCM có Công văn số 3144/CT-TTHT (về chính sách thuế, hóa đơn, chứng từ khoản thu duy tu hạ tầng KCN), đã căn cứ hướng dẫn nêu trên của Tổng cục Thuế để thanh tra thuế giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019 và xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với công ty kinh doanh hạ tầng và nhà đầu tư trong KCX - KCN.

“Điều này gây bức xúc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các hiệp hội doanh nghiệp khu vực các nước có đầu tư vào KCX-KCN của Thành phố, Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM và có khả năng dẫn đến việc khiếu nại của nhà đầu tư do đây không phải là lỗi của doanh nghiệp, mà do văn bản pháp luật không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước”, Hepza đã kêu cứu như vậy tới lãnh đạo UBND TP.HCM.

Về phía các công ty kinh doanh hạ tầng, Hepza cho rằng, nếu phí duy tu, tái tạo hạ tầng KCX, KCN chuyển sang cơ chế giá, thì các doanh nghiệp này buộc phải hạch toán vào doanh thu, kết chuyển vào kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và phân phối lợi nhuận hàng năm.

Theo Hepza, qua thời gian sử dụng, hạ tầng ngày càng xuống cấp, nhu cầu duy tu, tái tạo ngày càng tăng. Nguồn kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng lại lệ thuộc vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của công ty kinh doanh hạ tầng, khó có thể đảm bảo hạ tầng luôn trong tình trạng tốt phục vụ các nhà đầu tư. Trường hợp công ty kinh doanh hạ tầng phá sản, Nhà nước sẽ phải thực hiện việc duy tu hạ tầng để phục vụ nhà đầu tư, gây gánh nặng cho ngân sách.

Vướng mắc trên đã được gửi tới UBND TP.HCM đề xuất Thành phố có kiến nghị tới Bộ Tài chính về hướng giải quyết. Song tới nay, Hepza vẫn phải tiếp tục nhắc lại những bức xúc và kiến nghị cũ.

Theo Hepza, quỹ đất thu hút đầu tư vào KCX, KCN ngày càng thu hẹp. Các KCN hiện hữu đang dần lấp đầy. Trong khi đó, các KCN mới đã thành lập nhưng chậm triển khai (như Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng) do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất triển khai dự án. Các KCN đã có trong danh mục quy hoạch KCN TP.HCM, nhưng chậm được thành lập (như KCN Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước giai đoạn 3, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng và Phước Hiệp). Khả năng phát triển thêm các KCN khác ngoài quy hoạch hiện gặp nhiều khó khăn về thủ tục và thời gian.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan