Xã Bát Tràng đón nhận quyết định là “điểm du lịch” của Thành phố
Gian trưng bày các sản phẩm gốm Bát Tràng thu hút du khách
Đáng chú, điểm nhấn trong chuỗi sự kiện là Lễ rước tổ nghề Bát Tràng, không gian giới thiệu văn hóa ẩm thực Bát Tràng và chương trình giao lưu văn nghệ và biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống (chèo, hát sẩm, múa rối)…
Ông Lý Duy Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, lễ đón nhận quyết định Bát Tràng trở thành điểm du lịch là bước khởi đầu trong kế hoạch phát triển làng nghề du lịch Bát Tràng. Thời gian tới, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục có những chính sách quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng quy hoạch phát triển điểm du lịch Bát Tràng.
Một phân xưởng sản xuất gốm sứ Bát Tràng
Cụ thể, khu vực để xe sẽ được quy hoạch lại ở phía ngoài đê, người dân và du khách tham quan Bát Tràng sẽ đi xe điện để tránh ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm… Bên cạnh đó, việc áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh theo đúng xu hướng của du lịch hiện đại, Bát Tràng sẽ thực hiện việc chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách; tạo những không gian đậm chất văn hóa để làm nơi “check in” thu hút giới trẻ…
Cũng theo ông Thanh, việc công nhận điểm du lịch này sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch của Bát Tràng, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch địa phương.
Xã Bát Tràng có diện tích 164 ha, hiện có 2 làng nghề truyền thống gốm sứ là Bát Tràng và Giang Cao. Xã có 9 di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc; 2 di tích cách mạng kháng chiến. Ngoài ra, Bát Tràng có làng cổ hàng trăm năm tuổi rộng 5,2 ha và 23 ngôi nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ. Đây được xem là điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến Bát Tràng.