Ồ ạt rót vốn vào lĩnh vực tài chính
Trong 2 năm trở lại đây, thị trường tài chính Việt Nam chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc. Chẳng hạn, vào cuối tháng 3/2018, nhóm quỹ đầu tư thuộc Công ty Quản lý quỹ Korea Invesment Management (KIM) đã trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Bản Việt với tỷ lệ sở hữu 5,08%. Thương vụ đầu tư này đánh dấu sự có mặt của KIM tại Việt Nam.
Trước đó, thị trường chứng khoán Việt cũng đã đón nhận dòng vốn ngoại từ doanh nghiệp xứ sở kim chi thông qua hoạt động M&A. Cụ thể, tháng 9/2017, KB Securities, công ty con của KB Financial, đã chi khoảng 33 triệu USD để mua gần 100% cổ phần của Công ty Chứng khoán Maritime (MSI).
Tháng 11/2017, NH Investment & Securities Co Ltd đã nâng sở hữu tại Công ty Chứng khoán Woori CBV lên 96,15% vốn điều lệ. Woori CBV có tiền thân là CTCP Chứng khoán Biển Việt. Từ năm 2009, NH Investment &Securities bắt đầu trở thành cổ đông của công ty này với tỷ lệ sở hữu 12,7%, sau đó nâng dần lên. Đây cũng là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu của Hàn Quốc.
Không riêng chứng khoán, lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng ghi nhận sự thâm nhập mạnh mẽ của dòng vốn gián tiếp từ Hàn Quốc. Công ty Thẻ Shinhan Card chi khoảng 3.420 tỷ đồng mua Công ty Tài chính tiêu dùng Prudential Finance; Công ty Thẻ Lotte Card chi 1.734 tỷ đồng mua 100% vốn Công ty Tài chính Techcombank.
Tại Việt Nam, hiện có nhiều nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc như Lotte Card, Shinhan Card, Kexim, KEB Hana, Industrial Bank of Korea, Kookmin, Busan, Nonghyup, Shinhan Bank… Chưa kể, không ít thông tin thị trường cho rằng, Tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc đang có kế hoạch trở thành cổ đông của BIDV.
Nhận định về làn sóng đầu tư và tăng sự hiện diện tại thị trường tài chính Việt Nam của doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Michael DC Choi, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA Hà Nội) cho biết: “Làn sóng đầu tiên của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vào Việt Nam tập trung vào những ngành có tỷ lệ thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày. Bắt đầu giữa năm 2000, các doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung đầu tư vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam tạo nên làn sóng thứ hai và làn sóng thứ ba chủ yếu tập trung vào ngành bán lẻ, tiêu dùng. Hiện nay, chúng tôi ghi nhận làn sóng thứ tư của FDI Hàn Quốc rót vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua các hoạt động M&A”.
Lạc quan về thị trường
Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cao nhất với tổng giá trị lên đến hơn 61 tỷ USD. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhiều khả năng, những con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai, khi nhà đầu tư Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm lớn tới thị trường Việt Nam
“Chúng tôi nhận được nhiều lời đề nghị tư vấn đầu tư tại Việt Nam từ các tổ chức đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm. Nhiều nhà đầu tư chiến lược muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam thông qua M&A trong thời gian sắp tới. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, chúng tôi có gặp gỡ khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và họ bày tỏ niềm tin lạc quan về triển vọng thị trường”, ông Michael DC Choi cho biết.
Bình luận về câu chuyện dòng vốn đến từ Hàn Quốc đang chảy mạnh vào lĩnh vực tài chính, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài tiên phong đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam chính là doanh nghiệp Hàn Quốc, với sự xuất hiện tại các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ tài chính, chứng khoán.
Trong thập kỷ tới, thị trường M&A Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra rất sôi động, FDI tiếp tục đà tăng trưởng mạnh cùng xu hướng đầu tư theo hình thức mua lại ngày càng nở rộ. Nguồn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, 20 quỹ đầu tư nội địa tại Việt Nam đều có nhà đầu tư Hàn Quốc góp vốn và làn sóng vốn từ Hàn Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng rõ nét hơn.