Cuối tháng 9/2019 vừa qua, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Huỳnh Minh Hiếu (sinh năm 1991 ở Đà Nẵng, cựu quản lý Siêu thị 24h) về tội Tham ô tài sản.
Công ty TNHH 24h được thành lập năm 2014, là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Từ năm 2016, Huỳnh Minh Hiếu được giao làm quản lý Siêu thị 24h. Vì được tin tưởng nên 2 năm sau, Hiếu được giao vị trí quản lý độc lập, tuyển chọn nhân sự, két sắt đựng tiền của siêu thị và báo cáo tài chính về công ty.
Lợi dụng chức vụ này, từ tháng 4 - 9/2018, Hiếu chiếm đoạt số tiền hơn 2,2 tỷ đồng của Công ty để tiêu xài cá nhân và làm tài sản riêng như chi 177 triệu đồng để chơi trò chơi điện tử, lập 2 sổ tiết kiệm 1,2 tỷ đồng, chi 139 triệu đồng để thuê khách sạn, mua vé máy bay, thuê căn hộ chung cư để chạy trốn…
Ban đầu, cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó thay đổi sang tội Tham ô tài sản.
Đầu năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xử phạt bị cáo 15 năm tù về tội này. Bị cáo Hiếu đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng chỉ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của siêu thị.
Cơ quan tố tụng cấp phúc thẩm xác định, mặc dù đây là doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhưng bị cáo giữ chức vụ quản lý công ty và có hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Hành vi này đã cấu thành tội Tham ô tài sản với giá trị trên 1 tỷ đồng. Tòa án xử phạt mức án 15 năm tù là đúng pháp luật.
Tòa cũng thấy rằng, trên thực tế, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện và phong tỏa tài khoản để trả lại công ty số tiền 1,4 tỷ đồng. Bị cáo cũng khắc phục 260 triệu đồng. Bị cáo là thanh niên mới lớn, do quen biết nên được tuyển dụng nhân viên đóng gói, không có hợp đồng lao động.
Giám đốc công ty là người trực tiếp giao việc quản lý bằng miệng trên cơ sở niềm tin. Trong vụ án này, lẽ ra phải xem xét cả trách nhiệm quản lý trực tiếp của người lãnh đạo.
Mặt khác, đây là chủ thể mới theo Bộ luật Hình sự 2015, do nhận thức chưa đầy đủ nên dẫn đến phạm tội. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giảm án cho bị cáo còn 14 năm tù.
Đây được coi là vụ án tham nhũng đầu tiên ở lĩnh vực tư được làm rõ và xét xử trong thời gian qua. Từ khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực vào ngày 1/7/2016 thì đối tượng điều chỉnh của tội danh này được mở rộng.
Nếu theo luật cũ (Điều 278 - Bộ luật Hình sự 1999) và thực tiễn xét xử trước đây cho thấy, cơ quan tố tụng chỉ xem xét tội danh này đối với những người có vị trí, chức vụ quyền hạn trong các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, công ty có vốn nhà nước (lĩnh vực công).
Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 xác định, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử lý theo quy định tại điều này.
Nhưng Điều 353 luật mới xác định, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử lý theo quy định tại điều này.
Khi giải quyết, cơ quan tố tụng sẽ xem xét đầy đủ các yếu tố như chủ thể, khách thể, đối tượng xâm phạm để quyết định hành vi nào thuộc tội danh gì. Điều gây khó khăn nhất khi truy tố, xét xử ở tội danh này là việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Ví dụ, trường hợp tài sản đã được khắc phục và thu hồi thì có bị truy tố trách nhiệm hình sự nữa không? Đây là tình huống mà trước đây các tòa án có những quan điểm và giải quyết khác nhau.
Đơn cử, trong vụ án Võ Thị Ánh N. (sinh năm 1981 ở Bình Định, giao dịch viên một ngân hàng) đã lợi dụng sơ hở quản lý, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng để tham ô số tiền 471 triệu đồng.
Quá trình điều tra bị cáo đã khắc phục số tiền 220 triệu đồng và ngân hàng đã thu hồi xong số tiền bị mất. Tòa án sơ thẩm truy tố bị cáo chiếm đoạt số tiền 251 triệu đồng (trường hợp thuộc Điểm a, Khoản 3, Điều 278) nên tuyên phạt mức án 3 năm tù. Cấp phúc thẩm xem xét và tuyên cho bị cáo được hưởng án treo. Sau đó, vụ án bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm nêu rõ, mức án này là quá nhẹ, không đúng với quy định pháp luật. Khi xét xử, cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai sót, mà còn cho bị cáo hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng. Vì vậy, phải hủy cả 2 bản án trên để điều tra lại.
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xem xét và đưa vụ án thành án lệ với nội dung: “Việc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng bị cáo đã khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này là bỏ lọt tội phạm”.
Án lệ này đã giúp thống nhất về đường lối giải quyết khi xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.