Dính trách nhiệm vì lệnh sếp
Tháng 4/2018, vụ án làm trái quy định về trần lãi suất gây thiệt hại cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) hơn 2.000 tỷ đồng được đưa ra xét xử phúc thẩm. Phiên tòa phúc thẩm kéo dài 1 tháng. Bản án phúc thẩm đã giảm án cho 6 bị cáo nguyên là phó tổng giám đốc và giám đốc khối.
Trước đó, mức án sơ thẩm dành cho nhóm 34 giám đốc, phó giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này được đánh giá là đã “khoan hồng”, khi áp dụng hình phạt án treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Nhóm những người đứng đầu chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank bị kết án vì đã tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài, sau đó phân công chỉ đạo hoặc để mặc nhân viên chi lãi ngoài vi phạm quy định dẫn đến khoản thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng. Tòa án xác định, những cán bộ này biết rõ là sai quy định nhưng vẫn làm, hoặc để mặc nhân viên làm nên đồng phạm với các lãnh đạo Oceanbank ở Hội sở và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, xét đến hoàn cảnh hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả là do phải chấp hành, phục tùng sự chỉ đạo của cấp trên và hoàn toàn không hưởng lợi, Tòa án đã xem xét và quyết định cho các bị cáo được hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Một số bị cáo được hưởng hình phạt án treo.
Một số bị cáo bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và đều là người làm công ăn lương, hoàn cảnh kinh tế và gia đình khó khăn nên Tòa án cho miễn khấu trừ một phần thu nhập trong thời gian chấp hành hình phạt.
Ngoài ra, Tòa án cũng không buộc các bị cáo này cùng cán bộ, nhân viên liên quan phải bồi hoàn số tiền lãi ngoài đã chi. Đây có thể nói là quyết định giảm nhẹ trách nhiệm rất lớn cho nhóm cán bộ này, bởi số tiền chi lãi ngoài từ vài trăm triệu đến vài trăm tỷ đồng là gánh nặng tài chính mà tại phiên tòa, nhiều bị cáo từng nói trong nước mắt “hết đời cũng không trả hết”.
Vì sao biết rõ là vi phạm những vẫn làm? Lời trần tình của một số bị cáo trong nhóm cán bộ này cho thấy hoàn cảnh khó khăn về thanh khoản của Oceanbank trong năm 2011, từ đó dẫn đến việc phải chi lãi ngoài như nhiều ngân hàng khác.
Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên, nguyên Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu khai rằng: “Anh Hà Văn Thắm từng nói, anh chị nào không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Và thực tế, nhiều người đã phải điều chuyển vị trí, hoặc không giữ được công việc của mình”.
Đã có nhiều cán bộ quản lý của Oceanbank phải nhắm mắt “nghe lệnh sếp” và thực tế là có 34 bị cáo bị truy tố, kết án trong vụ án này. Nhưng chắc chắn, đã có các cán bộ quản lý, nhân viên của Oceanbank từ chối làm việc này. Có thể nói, khi lệnh sếp không đúng với những quy định, quy trình đã biết, thì bài toán lựa chọn luôn khó khăn và rủi ro nặng nề nhất là rủi ro trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án Oceanbank, mặc dù nhóm 34 cán bộ quản lý đã được xem xét và được hưởng mức án nhẹ nhất là án treo và cải tạo không giam giữ, nhưng đối với các bị cáo vốn là những người có trình độ chuyên môn, có học vấn cao, có uy tín, vị trí trong lĩnh vực nghề nghiệp thì đây vẫn là giá quá đắt.
Không chỉ vụ án Oceanbank, còn nhiều vụ án khác như vụ án Phạm Công Danh, vụ án Navibank, vụ án VDB (Ngân hàng Phát triển Việt Nam)... Rất nhiều nhân viên ngân hàng đã phải trả lời trước tòa án chỉ vì đã nghe lệnh sếp.
Cách đây ít năm, Tòa án nhân dân tỉnh Đắc Nông đã đưa ra xét xử vụ án nghiêm trọng xảy ra tại VDB chi nhánh Đắk Nông - Đắk Lắk. Theo đó, nguyên Giám đốc chi nhánh Vũ Việt Hùng bị kết án vì hành vi nhận hối lộ xe BMW - X6, vi phạm quy định cho vay tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo hơn 1.000 tỷ đồng của nhóm doanh nghiệp là khách hàng của VDB.
Trong vụ án này, có một cán bộ trẻ của VDB chi nhánh Đắk Nông - Đắk Lắk bị đưa ra xét xử. Đó là chị Nguyễn Thị Hồng Liên (SN 1985), nguyên cán bộ tín dụng của chi nhánh đã bị truy tố, xét xử theo tội Vi phạm quy định cho vay với khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù giam.
Cơ quan công tố cáo buộc chị Liên cùng một số bị cáo khác đã không thực hiện đầy đủ quy định của nhà nước và VDB, không thẩm định đầy đủ, không kiểm tra tại đơn vị vay vốn, khi doanh nghiệp không hoàn chứng từ thì không ngừng giải ngân, thu nợ trước hạn mà vẫn cho vay tiếp với số tiền lớn dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng.
Nhiều sự nghiệp đành lỡ dở chỉ vì một lần ‘nhắm mắt” tuân theo chỉ đạo
Suốt phiên tòa, chị Liên nhiều lần trần tình trong nước mắt rằng, khi đó chị là nhân viên mới, còn trẻ, vừa ra trường, khi làm tờ trình đã nêu rõ doanh nghiệp không đủ điều kiện cho vay nhưng cấp trên bút phê buộc chị phải cho vay bằng được. Khi hồ sơ được duyệt, hợp đồng tín dụng đã ký thì những vấn đề tiếp theo là “đâm lao phải theo lao”, doanh nghiệp không hoàn được chứng từ nhưng vẫn phải cho vay tiếp để “đảo nợ” nếu không sẽ thành nợ quá hạn, ảnh hưởng thành tích và thậm chí phải chịu trách nhiệm.
Mặc dù chị Liên chỉ bị tuyên phạt 3 năm tù cho hưởng án treo, nhưng đây là vẫn là cú vấp ngã nặng nề đối với cá nhân chị Liên và đối với bất cứ cán bộ tín dụng nào.
Hạn chế nguy cơ bằng cách nào?
Ai cũng hiểu, làm trái lệnh sếp tức là đã tự đặt trở ngại trong nghề nghiệp, thậm chí còn có khả năng thất nghiệp. Nhưng làm theo đúng chỉ đạo của sếp mà làm trái pháp luật thì người lao động đứng trước rủi ro pháp lý. Mức độ rủi ro pháp lý này có thể là trách nhiệm dân sự, đền bù thiệt hại, nhưng cũng có thể nghiêm trọng hơn như bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực ra, ở một số luật chuyên ngành, đã có những điều luật quy định về trường hợp nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật. Chẳng hạn, khoản 5, Điều 9, Luật Cán bộ, Công chức quy định, khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định. Trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Hay như Luật Kế toán cũng có quy định, kế toán trưởng có quyền và trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị. Trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
Nhưng các quy định này chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính, lao động. Khi thiệt hại xảy ra và vụ án được khởi tố, dù nhân viên đã thực hiện việc báo cáo bằng văn bản cho người ra quyết định và thậm chí báo cáo vượt cấp thì vẫn không giúp nhân viên thoát khỏi trách nhiệm hình sự. Nguyên tắc ứng xử tốt nhất vẫn là cần cân nhắc về trách nhiệm pháp lý cho bản thân.
Một luật sư từng tham gia rất nhiều đại án ngân hàng khuyến cáo, trong trường hợp bất đắc dĩ phải chấp nhận rủi ro và làm theo chỉ đạo, nhân viên cần lưu ý tạo lập bằng chứng xác thực và lưu lại như chứng cứ về chỉ đạo của sếp: điện thoại, tin nhắn, email trao đổi xung quanh công việc đó.
Sau này, đây có thể là chứng cứ quan trọng giúp xác định vị trí, vai trò của nhân viên trong vụ việc. Khi đang tiến hành công việc, nếu may mắn được tiếp cận khách hàng - người được hưởng lợi từ vụ việc, nhân viên cần tạo lập và lưu trữ các bằng chứng cho thấy khách hàng chủ động tham gia vào giao dịch. Nếu quy trình còn thiếu chứng từ, tài liệu thủ tục gì, nhân viên cần yêu cầu khách hàng sớm hoàn thiện, hạn chế rủi ro sau này.
Cuối cùng nếu đã nhận ra sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng và hậu quả pháp lý hình sự liên đới, nhân viên không nên làm theo lệnh sếp để sau này khỏi phải day dứt “giá như…”.