Cả doanh nghiệp, đại lý cũng như khách hàng đều phải hết sức cẩn thận khi ký hợp đồng bảo hiểm

Cả doanh nghiệp, đại lý cũng như khách hàng đều phải hết sức cẩn thận khi ký hợp đồng bảo hiểm

Làm sai, cả doanh nghiệp và đại lý bảo hiểm cùng chịu trách nhiệm

(ĐTCK) Sau bài “AIA Việt Nam thẩm định chữ ký là bình thường” được đăng tải trên Báo Đầu tư Chứng khoán ra ngày 12/8, Đầu tư Chứng khoán tiếp tục nhận được thắc mắc của độc giả về việc ai sẽ là người chịu phạt và nên khởi kiện ai trong trường hợp giả mạo chữ ký, ký thay người được bảo hiểm, dẫn đến bị từ chối bồi thường.

Như đã đề cập tại bài báo trên, việc giả mạo chữ ký của người được bảo hiểm không còn là chuyện hiếm và hậu quả tất yếu là doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm, rồi tranh chấp đương nhiên xảy ra.

Một chữ ký trong bộ hợp đồng bảo hiểm không chỉ đơn thuần cho thấy sự tự nguyện trong giao kết hợp đồng, mà còn thể hiện trách nhiệm của các bên. Nếu mọi việc suôn sẻ thì không có vấn đề, nhưng chẳng may gặp sự cố (người được bảo hiểm tử vong, trong khi có dấu hiệu gian lận bảo hiểm, dẫn đến tranh chấp), thì chữ ký trở nên vô cùng quan trọng. Trong trường hợp này, nếu một bên không trực tiếp ký tên, mà để người khác ký thay hoặc bị giả mạo chữ ký, hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực pháp lý, dẫn đến bị vô hiệu.

Chính vì lý do này mà chế tài xử phạt trong trường hợp giả mạo chữ ký, làm sai quy trình của đại lý bảo hiểm được mang ra mổ xẻ. Anh Nguyễn Ngọc đặt câu hỏi: “Trong một vụ tranh chấp bồi thường bảo hiểm bất kỳ, nếu đại lý bảo hiểm làm sai thì quy trách nhiệm ra sao? Chỉ doanh nghiệp bảo hiểm, đơn vị quản lý đại lý bảo hiểm đó, sẽ chịu trách nhiệm hay cả đại lý đó cũng phải chịu trách nhiệm theo?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA cho biết, theo Điều 88, Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi đại lý làm sai hợp đồng đại lý, gây thiệt hại cho khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm là người chịu trách nhiệm trước, sau đó doanh nghiệp bảo hiểm có thể yêu cầu đại lý bồi hoàn cho mình những thiệt hại do đại lý gây ra.

Trong một công văn trả lời báo chí mới đây, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, nếu là lỗi do đại lý thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm trước, sau đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nhận bồi hoàn từ đại lý của mình.

“Có không ít trường hợp vì tin đại lý, người mua bảo hiểm chỉ tìm hiểu sơ qua về sản phẩm bảo hiểm, mà không đọc kỹ nội dung hợp đồng bảo hiểm và các tài liệu liên quan được đính kèm bộ hợp đồng, nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc”, ông Lộc cho biết.

Đối với việc khởi kiện trong trường hợp đại lý, tư vấn viên ký thay, Luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt cho biết: “Với vai trò là bên bị thiệt hại quyền lợi, bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng quyền lợi có thể khởi kiện ra Tòa án để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Tùy vào tình tiết và các bằng chứng liên quan, tòa án sẽ phán quyết. Còn khởi kiện ai, đại lý, công ty bảo hiểm hay cả hai? Đó là quyền của khách hàng, nhưng tòa án sẽ căn cứ vào tình tiết và bằng chứng ban đầu để quyết định xem có cơ sở để thụ lý hay không?”.

Bỏ qua yếu tố gian lận bảo hiểm, thông đồng giữa đại lý với người được bảo hiểm hòng trục lợi bảo hiểm, thực tế cũng cho thấy, các lỗi do sơ suất của đại lý cũng như người được bảo hiểm khi ký thay (chứ không để người được bảo hiểm tự ký vào bộ hợp đồng), làm sai quy trình đã khiến nhiều khách hàng “dở khóc, dở cười” khi không nhận đủ số tiền bồi thường, nhất là trong trường hợp người được bảo hiểm tử vong mà doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm vì chữ ký “chưa chuẩn”, khách hàng sẽ chịu thiệt hại nặng nề về quyền lợi và mọi chuyện thêm rắc rối khi ra tòa.

Bởi theo nguyên tắc, nếu trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ và bảng minh họa, đại lý ký thay cho khách hàng, hợp đồng đó không có hiệu lực pháp lý. Do đó, theo các chuyên gia trong ngành, các đại lý bảo hiểm phải hết sức cẩn trọng với việc ký trên hợp đồng bảo hiểm. Trong hợp đồng bảo hiểm cần ghi rõ, thậm chí in đậm dòng chữ: “Nếu ký thay hoặc giả mạo chữ ký sẽ bị từ chối bồi thường”. Đồng thời, đại lý bảo hiểm cần nhấn mạnh với khách hàng lưu ý trên, bởi đa phần khách hàng đều không ý thức rõ mức độ nguy hại của việc ký thay, làm giả, nhái… chữ ký.

Theo Điều 88, Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm.

Tin bài liên quan