Khoản đầu tư của EVN vào ngành viến thông tỏ ra không có hiệu quả

Khoản đầu tư của EVN vào ngành viến thông tỏ ra không có hiệu quả

Làm rõ "luật chơi" cho DNNN

(ĐTCK-online) "Luật chơi" cho DNNN, nhất là các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) hiện quá thiếu, nên mới dẫn đến một loạt hệ luỵ như đầu tư tràn lan, thua lỗ kéo dài, cơ chế xin - cho…

Khắc phục tình trạng này, các chuyên gia tham dự Hội thảo tái cấu trúc DNNN do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức, đưa ra nhiều ý kiến...

 

Cần luật hoá công ty mẹ

Theo GS.TS Trương Mộc Lâm, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt, hoạt động quản lý DNNN hiện khá lúng túng và điều này được thể hiện khá rõ qua việc các bộ, Chính phủ phải dùng các biện pháp hành chính để chấn chỉnh tình trạng các TĐ, TCT đua nhau đầu tư tràn lan ngoài ngành, trong khi lẽ ra phải có "luật chơi" trước khi cho phép các DN này được phép đầu tư vào lĩnh vực gì, với tỷ lệ bao nhiêu. Bởi vậy, muốn tái cấu trúc DNNN, nhất là các TĐ, TCT hiệu quả, ít nhất phải có 2 luật chơi rõ ràng.

Đầu tiên là ban hành quy chế đầu tư áp dụng cho DNNN, trong đó làm rõ DN có quy mô vốn ra sao, đang hoạt động trong ngành nghề gì, thì được đầu tư vào lĩnh vực gì, với tỷ lệ bao nhiêu. Kèm theo đó là chế tài xử lý rõ ràng nếu DN nào vượt rào, chứ không thể tù mù như hiện tại.

Thứ hai, cần sớm luật hoá quy định về mối quan hệ giữa công ty mẹ - con theo thông lệ quốc tế. Để tránh tình trạng công ty con quá phụ thuộc vào công ty mẹ dễ dẫn đến tình trạng xin - cho như hiện tại, mối quan hệ của công ty mẹ với công ty con cần được thiết lập theo hướng là cổ đông của công ty con, chứ không phải là "cấp trên" của công ty con. Công ty mẹ không được phép can thiệp theo kiểu chỉ huy về nhân sự, tài chính đối với công ty con. Quy chế này cũng cần làm rõ các TĐ, TCT chỉ được phép thành lập, hoặc góp vốn đến công ty con, chứ không nên thả lỏng dẫn đến đầu tư tràn làn đến tận công ty cháu, chắt… như hiện tại.

Theo TS. Hoàng Trần Hậu, Phó giám đốc Học viện Tài chính, đến cuối năm 2010, có 1.207 DNNN là công ty TNHH một thành viên, 1.900 DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Hiện DNNN chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các NHTM, 70% nguồn vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp vào GDP khoảng 37-38%.

Một luật chơi khác, theo bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng cần được thiết lập là phải có quy định buộc DNNN áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị công ty. Kinh nghiệm áp dụng các chuẩn mực về quản trị công ty theo thông lệ phổ biến của các DNNN đã CPH đang niêm yết trên TTCK cho thấy, chỉ khi tư duy và phương cách điều hành DN có sự thay đổi về chất, thì mới nâng cao được hiệu quả hoạt động của DN. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc cần tách bạch chức năng quản lý với đại diện chủ sở hữu, thì cần hình thành một cơ quan đầu mối triển khai các chính sách trong giai đoạn tái cấu trúc DNNN. Khi hoàn thành giai đoạn tái cấu trúc, đơn vị này sẽ làm chức năng quản lý DNNN.

"Cũng cần tận dụng sự minh bạch của TTCK để góp phần tái cấu trúc DNNN hiệu quả. Điều này không chỉ dừng lại ở hoạt động CPH các DNNN gắn với niêm yết trên TTCK mà còn nên sử dụng sức ép của thị trường, để buộc các DNNN minh bạch hơn về tài chính, đầu tư, chiến lược hoạt động…", bà Liên nói.

 

Làm mới cổ phần hoá

Theo các chuyên gia, tiến trình CPH vốn là một công cụ hữu hiệu trong đổi mới DNNN thời gian qua, hiện gặp khó khăn do bắt đầu "đụng" đến các DN lớn, đòi hỏi tư duy CPH cần được làm mới. Thực tế, theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ (DATC), không thể dùng mệnh lệnh hành chính để CPH các DN có hiệu quả hoạt động không cao gắn với niêm yết trên TTCK, vì thực tế cho thấy, thị trường không chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng. Ngay cả những DN có chất lượng hoạt động tốt, nhưng tỷ lệ bán ra công chúng chỉ 5-7%, thì thị trường cũng không mấy hào hứng đón nhận.

"Kịch bản CPH các DNNN phải gắn rất chặt với đổi mới phương thức lãnh đạo, cũng như nâng cao tính minh bạch và hiệu quả làm ăn của DNNN. Chỉ có cách làm này mới tạo cho các DNNN thực sự có sức hấp dẫn khi đem ra CPH gắn với niêm yết trên TTCK", ông Thường nhìn nhận.

Muốn nâng cao minh bạch và hiệu quả hoạt động của DNNN, bà Dương Thị Nhi, Nhóm tư vấn chính sách tài chính, Bộ Tài chính, khuyến nghị, cần xây dựng hệ thống kế toán, kiểm toán, quản trị tài chính và quy trình quản lý chung phù hợp với thông lệ quốc tế áp dụng cho DNNN, trong đó cần tiến tới hướng các DN này phải công khai thông tin tài chính như DN niêm yết.