Dư địa để giảm tiếp lãi suất huy động là rất hạn chế. Ảnh: Dũng Minh.

Dư địa để giảm tiếp lãi suất huy động là rất hạn chế. Ảnh: Dũng Minh.

Lạm phát và chính sách tiền tệ “đi trên dây”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát được nhận định duy trì ở mức cao trong hai tháng tới trước khi dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2021 đang tạo áp lực lên chính sách tiền tệ.

Áp lực lạm phát gia tăng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 đã tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 2,7% so với cùng kỳ (so với mức 1,2% vào tháng 3/2021).

Lạm phát tăng được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận chủ yếu do chỉ số giao thông tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá xăng RON95 trong nước bình quân tháng 4/2021 ở mức 19.001 đồng/lít, cao hơn 43,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,8% so với cùng kỳ (so với mức tăng 0,8% so với cùng kỳ vào tháng 3/2021).

Các chuyên gia phân tích nhận định, chỉ số CPI nhóm giao thông vận tải sẽ duy trì đà tăng trong hai tháng tới. Cụ thể, dự báo giá xăng RON95 bình quân ở mức 19.636 đồng/lít trong giai đoạn tháng 5, tháng 6/2021, cao hơn 46,8% so với mức giá của giai đoạn tháng 5, tháng 6/2020. Ngoài ra, giá thép xây dựng duy trì xu thế tăng giá trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép, phế liệu và chi phí vận chuyển tiếp tục tăng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lạm phát tăng tốc trong tháng 4/2021 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau khi làn sóng dịch Covid-19 thứ ba được kiểm soát. Giá trị doanh số bán lẻ tháng 4/2021 dù vẫn thấp hơn so với tháng 1/2021 nhưng đã tăng 2,3% so với tháng trước, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi phần nào từ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ ba vào cuối tháng 1/2021.

Đáng chú ý, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư, lây lan trong nước từ cuối tháng 4/2021 và đang ảnh hưởng đến nhiều vùng miền, đặc biệt là ba thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. EVN đã giảm giá điện bán lẻ trong giai đoạn tháng 5 - 7/2020 nhằm hỗ trợ người dân trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần đầu và hiện đã ngưng hình thức hỗ trợ này. Do đó, dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên, đạt trung bình 4 - 5% so với cùng kỳ trong quý II/2021 (so với mức 0,3% trong quý I/2021).

Chính sách tiền tệ phải cân đối nhiều mục tiêu

Khác với hầu hết các nước trên thế giới, chính sách tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm qua vẫn là đa mục tiêu. Bên cạnh kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước đôi khi phải gánh thêm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua các kênh thúc đẩy/định hướng tín dụng và hỗ trợ lãi suất, thậm chí là “hỗ trợ” cho chính sách tài khóa trong việc phát hành trái phiếu chính phủ.

Bài toán kích thích kinh tế và kiểm soát lạm phát đặt ra nhiều khó khăn với chính sách tiền tệ.

Một trong những thành công nổi bật của chính sách tiền tệ trong những năm gần đây, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra được thị trường ghi nhận, là kiểm soát tốt lạm phát và ổn định được giá trị nội tệ. Tỷ lệ lạm phát trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019 chỉ xấp xỉ ở mức 2,6%/năm, giảm mạnh so với con số tương ứng 9,7% trong giai đoạn 2010 - 2014. Tương tự như vậy, VND chỉ mất giá khoảng 8% trong cả giai đoạn 5 năm gần đây, bằng một nửa so với cùng giai đoạn trước đó…

Lý thuyết “Bộ ba bất khả thi” đã chỉ ra một ngân hàng trung ương không thể đạt được đồng thời 3 mục tiêu, gồm tỷ giá cố định, sự độc lập của chính sách tiền tệ và sự tự do lưu chuyển dòng vốn xuyên biên giới tại bất kỳ quốc gia nào. Theo đó, bất kỳ chính sách, giải pháp nào được ban hành, thực thi bởi ngân hàng trung ương cũng phải chấp nhận sự lựa chọn đánh đổi giữa 3 mục tiêu nêu trên…

Tuy nhiên, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú đánh giá: “Kịp thời nhận diện, đánh giá đúng những khó khăn, thách thức nên việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nội hàm của “bộ ba bất khả thi” trong giai đoạn này đã được Ngân hàng Nhà nước điều tiết, xử lý hợp lý và khéo léo trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Một trong những minh chứng cụ thể là lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc”.

Nới lỏng hay thắt chặt?

Triển vọng phục hồi kinh tế của nước ta trong năm 2021, theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, sẽ không được như kỳ vọng do đại dịch vẫn còn phức tạp. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới bơm tiền trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân để chống chọi trong đại dịch Covid-19 thì dù có đầu cơ bất động sản hay chứng khoán họ vẫn có tiền để dành và khi đại dịch đi qua, nền kinh tế sẽ có sức để bật lên. Trong khi đó, gói cứu trợ của Việt Nam có quy mô không đáng kể, không tạo ra được nguồn lực tài chính tiềm năng trong khu vực doanh nghiệp và dân chúng, nên không tạo được sức bật về tiêu dùng và đầu tư.

Bài toán kích thích kinh tế và kiểm soát lạm phát đặt ra nhiều khó khăn với chính sách tiền tệ.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích, công thức chung của cơ quan quản lý khi lạm phát tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng sẽ là: thứ nhất, hạn chế tín dụng; thứ hai, điều chỉnh tăng lãi suất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ khó sử dụng những công cụ này trong bối cảnh đang áp dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm chống chọi trước đại dịch Covid-19, bao gồm giãn thời gian vay, hạn chế tăng lãi suất, bơm tiền cho doanh nghiệp.

Nhìn nhận về chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, dư địa cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế vì các nguyên nhân chủ đạo: Thứ nhất, áp lực lạm phát dự báo tăng cao trong quý II/2021 do giá dầu thô và vật liệu cơ bản khác đang trên đà tăng mạnh. Thứ hai, giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng gần đây do sốt đất cục bộ tại một số địa phương buộc Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

“Các ngân hàng thương mại cũng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh dòng vốn trong dân cư đang bị hút sang các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán. Mặt bằng lãi suất sẽ giữ nguyên hoặc nhích nhẹ trong các tháng cuối năm”, bà Hiền nói.

Còn TS. Ánh khuyến nghị, để giải quyết được bài toán kiềm chế lạm phát và hỗ trợ phát triển kinh tế, cần sử dụng công cụ chính sách tài khóa nhiều hơn, bởi chính sách tài khóa không chịu tác động của lạm phát nhiều như chính sách tiền tệ.

Đồng quan điểm này, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: “Nếu đợt dịch này tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ có thể xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng”.

Báo cáo “Đánh giá chính sách kinh tế vượt qua Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế” của Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố cho rằng: “Với dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp (thể hiện qua tỷ lệ cung tiền/GDP cao và lãi suất thực thấp), Ngân hàng Nhà nước nên thận trọng với trạng thái nới lỏng tiền tệ, bởi nó có thể kích hoạt lạm phát bất cứ khi nào khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại, giá cả hàng hóa thế giới đảo chiều, đặc biệt là khi kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục”.

Kể từ năm 2016, tỷ lệ M2/GDP theo giá hiện hành của Việt Nam đã bỏ xa các nước trong khu vực ASEAN và hầu hết các nước châu Á khác, ngoại trừ Trung Quốc. Tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP tính đến cuối năm 2019 ước lần lượt vào khoảng 170% và 150%, một mặt tạo rủi ro bong bóng giá tài sản (bất động sản) và/hoặc rủi ro lạm phát, mặt khác làm hạn hẹp dư địa nới lỏng tiền tệ khi cần thiết.

Bên cạnh tỷ lệ cung tiền/GDP cao, một thước đo khác phản ánh dư địa chính sách tiền tệ đó là chênh lệch giữa lãi suất với tỷ lệ lạm phát (lãi suất thực) ở Việt Nam cũng khá thấp. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và tỷ lệ lạm phát chỉ gần 0,61% trung bình trong giai đoạn 2011-2015, sau đó tăng lên mức 1,77% trong giai đoạn 2016 - 2019 trước khi Covid-19 xảy ra. Điều này hàm ý khả năng hạ lãi suất thị trường sẽ khá khó khăn cho dù Ngân hàng Nhà nước có nỗ lực hạ các mức lãi suất điều hành.

Tin bài liên quan