Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Lạm phát thấp tạo dư địa hỗ trợ tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, dù chính sách thuế quan và thương mại còn bất định góp phần khiến chênh lệch lãi suất duy trì ở mức cao và gây sức ép lên tỷ giá trong năm nay, Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng nhờ lạm phát thấp.

Chỉ số DXY sụt giảm 4,8% trong tháng 4, về mức 99,2 điểm vào cuối tháng (giảm 9,3% so với đầu năm), song tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn duy trì ở ngưỡng cao trong cùng thời gian. Ông có thể lý giải về diễn biến này?

Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng dao động trong biên độ tương đối rộng trong tháng 4. Đến cuối tháng 4, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giao dịch ở ngưỡng 26.000, tương đương mức mất giá khoảng 1,4% so với USD. Tính chung từ đầu năm tới hết tháng 4, VND đã mất giá khoảng 2,1% so với đồng bạc xanh, bất chấp bối cảnh chỉ số USD-Index sụt giảm khoảng 9,3% so với đầu năm. Giải thích cho diễn biến này, có thể nhắc tới một số nguyên nhân chính như sau.

Thứ nhất, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng với các đối tác thương mại, theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu mức thuế rất cao, với 46%. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, với thương mại và xuất nhập khẩu là một trong những trụ cột chính trong mô hình tăng trưởng kinh tế, trong khi Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mức thuế suất trên nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như sức mạnh đồng tiền Việt Nam. Mặc dù kế hoạch áp thuế đã được ông Trump tạm hoãn trong thời gian 90 ngày, góp phần giúp cặp tỷ giá USD - VND giảm từ mức cao kỷ lục 26.050 về vùng 25.950 - 26.000 vào cuối tháng 4 nhưng những bất định về chính sách thuế nói riêng và chính sách thương mại của Hoa Kỳ nói chung vẫn đè nặng lên tâm lý thị trường.

Thứ hai, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán trong 4 tháng đầu năm. Tính chung từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng khoảng 1,4 tỷ USD, đưa mức bán ròng trong 12 tháng trở lại đây lên 3,3 tỷ USD. Điều này cũng góp phần gây áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, do những quan ngại về sự bất định trong chính sách thương mại của Mỹ, dòng vốn mua trả cổ tức trả về nước của các doanh nghiệp nước ngoài cũng đến nhiều hơn và sớm hơn trong năm nay, gây áp lực lên tỷ giá. Ở phía ngược lại, bất ổn địa chính trị trên thế giới kéo dài và lo ngại về biến động thuế quan cũng ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

4 tháng đầu năm, VND mất giá 2,1% so với USD

4 tháng đầu năm, VND mất giá 2,1% so với USD

Thứ ba, 4 tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,06 tỷ USD, phản ánh rõ đà chậm lại của tăng trưởng thương mại. Đây cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam.

Cuối cùng là sự khác biệt trong điều hành chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FOMC) vẫn đang ở trạng thái chờ đợi các tín hiệu rõ ràng từ dữ liệu vĩ mô để cắt giảm lãi suất, trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Do đó, chênh lệch lãi suất USD - VND vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao kể từ đầu năm tới nay.

Các yếu tố trên đã gây sức ép đáng kể lên tỷ giá USD/VND, ngay cả khi đồng USD suy yếu mạnh trên thị trường quốc tế.

VND cũng chịu áp lực mất giá trên 10% so với EUR, JPY chỉ trong vài tháng qua, điều này khiến áp lực tỷ giá không chỉ đến từ cặp USD/VND mà còn từ rổ ngoại tệ rộng hơn. Ông có bình luận gì?

Tỷ giá EUR/USD tăng 5% trong tháng 4. Điều này phần lớn là do các nhà đầu tư đã chuyển qua EUR như một lựa chọn thay thế cho USD. Cặp tiền tệ này đã tăng giá sau sự kiện Tổng thống Trump công bố các mức thuế quan vào đầu tháng 4. Vào ngày 17/4/2025, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 2,25%/năm, với lý do chính là sự không chắc chắn về chính sách của Hoa Kỳ.

Tương tự, đồng Yên Nhật đã được hỗ trợ bởi “dòng tiền trú ẩn an toàn” - dòng tiền vào danh mục đầu tư và các giao dịch phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư. Do vậy, VND chịu áp lực mất giá gián tiếp so với nhiều đồng tiền khác, đặc biệt là với những đồng tiền có mức tăng giá mạnh so với đồng USD.

Tuy nhiên, xu hướng này có thể sẽ chững lại trong bối cảnh chỉ số USD - Index (DXY) tăng trở lại trong thời gian gần đây, sau khi một số quốc gia đã đạt được một số tiến triển trong quá trình đàm phán với Mỹ. Đặc biệt, việc Mỹ và Trung Quốc đồng loạt giảm mức thuế đối ứng tạm thời trong 90 ngày cũng mở ra một số hy vọng rằng triển vọng trong chính sách thương mại của Mỹ sẽ tích cực hơn, góp phần đảo ngược xu hướng giảm giá của USD so với các loại ngoại tệ mạnh khác.

Dự báo của ông về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed thời gian tới sẽ như thế nào? Tỷ giá USD/VND sẽ chịu áp lực trước lộ trình này ra sao?

Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,25 - 4,5%/năm lần thứ ba vào kỳ họp tháng 5 vừa qua. Chính sách thuế đối ứng tạo ra sự phức tạp cho các nhà hoạch định chính sách của Fed, vì rủi ro thất nghiệp và rủi ro lạm phát cao hơn đòi hỏi các phản ứng chính sách khác nhau.

Cân nhắc về các kịch bản giữa tăng trưởng và lạm phát trong tương lai, Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng HSBC duy trì dự báo Fed sẽ không cắt giảm lãi suất quá 75 điểm cơ bản trong giai đoạn 2025 - 2026. Nhóm Nghiên cứu dự báo Fed sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay, vào tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Tuy nhiên, nếu dữ liệu việc làm tháng 5 không cho thấy bằng chứng về sự suy yếu (trong tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng việc làm ròng hoặc cả hai), không loại trừ kịch bản FOMC có thể tiếp tục giữ nguyên lãi suất chính sách vào tháng 6.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thông qua các công cụ điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh lạm phát trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu mà Quốc hội đề ra năm nay, Ngân hàng Nhà nước có dư địa để hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho bức tranh kinh tế vĩ mô nhằm đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 8% trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài vẫn còn rất khó lường.

Do vậy, sự khác biệt về chính sách điều hành giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn khá rõ nét, khiến chênh lệch lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, từ đó gây sức ép lên tỷ giá trong năm nay.

Chỉ số DXY đã tăng mạnh sau cuộc gặp gỡ Mỹ - Trung. Trước những diễn biến hiện nay, dự báo về tỷ giá VND/USD năm 2025 của HSBC có gì thay đổi?

Triển vọng đàm phán thương mại cũng như tăng trưởng về thương mại toàn cầu trong năm nay vẫn là ẩn số lớn. Nếu thuế quan được duy trì ở mức cao hơn kỳ vọng, điều này rõ ràng sẽ khiến triển vọng xuất khẩu yếu hơn, tăng trưởng FDI chậm lại và dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài tiếp tục hồi hương. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xem xét kịch bản mà tiến trình này có thể đảo ngược, chẳng hạn như thuế quan của Hoa Kỳ được trì hoãn thêm, thêm nhiều lĩnh vực, mặt hàng được miễn thuế, hoặc có những bước lùi trong căng thẳng thương mại giữa các quốc gia.

Ngoài ra, sự chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, cùng với sự kết hợp của chính sách tài khoá cũng có thể góp phần giúp Việt Nam chủ động ứng phó với những biến động trên toàn cầu. Nhóm Nghiên cứu của Tập đoàn HSBC hiện dự báo tỷ giá USD/VND có thể đạt mức 26.200 vào cuối quý II này và 26.500 vào cuối năm 2025.

Tin bài liên quan