Lạm phát thấp là cơ hội tốt cho triển vọng kinh tế vĩ mô và TTCK trưởng trên 6% là thành công

Lạm phát thấp là cơ hội tốt cho triển vọng kinh tế vĩ mô và TTCK trưởng trên 6% là thành công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6, CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,47%, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. TS. Cấn Văn Lực Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, mức lạm phát thấp là cơ hội tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

CPI 6 tháng đầu năm của Việt Nam thấp nhất trong 6 năm trở lại đây

Tại phiên tọa đàm thứ hai với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” trong Chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” diễn ra sáng 29/6/2021 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức, đánh giá về lạm phát, CPI 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ tăng 1,47%, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây, TS. Cấn Văn Lực nhận định, mức lạm phát thấp là cơ hội tốt cho nền kinh tế Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực dẫn chứng, một nghiên cứu gần đây của Citi Research cho thấy, ở Mỹ, nếu lạm phát bình quân chạy từ 1%-3% thì đó là con số tuyệt vời cho định giá cổ phiếu theo chỉ số PE (thi giá trên thu nhập mỗi cổ phần).

Ví dụ, ở Mỹ thời kỳ lạm phát chạy từ 1%-3% cho thấy, hệ số PE là 18 lần, còn nếu lạm phát tăng cao quá từ 5%-8% thì hệ số PE chỉ được 10-12 lần. Như vậy, có thể thấy, nếu lạm tăng cao sẽ tác động tiêu cực đối với triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý II đạt 6,61% và 6 tháng đầu năm đạt 5,64%. "Tuy hơi thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng con số này cũng khá gần với dự báo của chúng tôi là 5,6% cho 6 tháng đầu năm 2021", ông nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, với mức tăng trưởng trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra với mong muốn quý I là 5,12% và quý II là trên 6%.

Tuy nhiên, kết quả trên vẫn rất đáng khích lệ, vì 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam phải đối mặt với 2 đợt dịch Covid-19 tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.

Còn về lạm phát, chúng tôi ước dự báo cả 6 tháng lạm phát bình quân khoảng 1,8-2%. Nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1 đến 6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng Thế giới, IMF và ADB dành cho Việt Nam.

6 tháng cuối năm thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng

Với dự báo tăng trưởng GDP trên 6%, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và cân đối lớn của nền kinh tế về cơ quản vẫn kiểm soát được, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2021, nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp trên TTCK sẽ tiếp tục triển vọng tăng trưởng tích cực.

"Hiện nay, dư nợ cho vay chứng khoán mới chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 49,5 tỷ USD" - TS. Cấn Văn Lực Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.
"Hiện nay, dư nợ cho vay chứng khoán mới chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 49,5 tỷ USD" - TS. Cấn Văn Lực Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.

"Trong bối cảnh hiện nay, thực lực của thị trường chứng khoán rất quan trọng, dự báo năm nay lợi nhuận của những doanh nghiệp niêm yết tăng 20%. Trong khi đó, vai trò của nhà đầu tư ngoại đã không còn là lực lượng chủ chốt, hay dẫn dắt thị trường như trước đây. Hiện nay, giao dịch của nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm 10% trong tổng lượng giao dịch toàn bộ thị trường, còn 90% là đầu tư nội. Đó là diễn biến điều lạc quan", Kinh tế trưởng BIDV đánh giá.

Mặc dù thị trường chứng khoán nhiều triển vọng, song, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta vẫn không thể chủ quan. Mọi hoạt động của thị trường cần được quan sát kỹ và đánh giá cẩn trọng, bởi thực tế, vai trò "hàn thử biểu" của thị trường chứng khoán với kinh tế thực tương đối lỏng lẻo, không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới cũng vậy;

Cùng với đó, các nhà đâu tư chứng khoán tại Mỹ đã khảo sát 4 rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư chứng khoán từ nay đến cuối năm đó là: Một là, các nước đã bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa;

Hai là, nhà đầu tư thế giới quan tâm là lạm phát, lạm phát tăng thì rủi ro lãi suất có xu hướng tăng;

Ba là, chênh lệch sinh lời của doanh nghiệp bắt đầu co hẹp, vì chi phí đầu vào tăng, trong khi đó, giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, như vậy chênh lệch sinh lời thu hẹp dần dần ảnh hưởng đến lợi nhuận và ảnh hưởng đến giá chứng khoán.

Bốn là, thuế. Như ở Mỹ, năm tới dự kiến sẽ tăng thuế doanh nghiệp (hiện nay, thuế doanh nghiệp là 21% và dự kiến năm tới sẽ tăng 25%). Những rủi ro trên sẽ tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Riêng với Việt Nam, các thành viên thị trường cần quan tâm thêm 2 rủi ro nữa, đó là: 90-95% nhà đầu tư hiện nay vẫn là nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, có tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính của họ tương đối cao.

Khi thị trường điều chỉnh, đối tượng này sẽ dễ có những phản ứng thái quá. Cùng với đó, không loại trừ hiện nay một số doanh nghiệp đang “té nước theo mưa”, họ tranh thủ cơ hội thị trường để họ làm làm bóng những kết quả kinh doanh của mình và họ bắt đầu phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu.

Từ những phân tích trên TS. Cấn Văn Lực nhận định, chỉ số chứng khoán Việt Nam có thể có điều chỉnh giảm 7%-10% sau khi đạt đỉnh trên 1.400 điểm, nhưng các nhà đầu tư cần bình tĩnh, vì đây là điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh.

Đánh giá về tiềm năng các ngành nghề sẽ tăng trưởng trong nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sự phân hóa ngành nghề sẽ tiếp tục khác nhau, thậm chí trong từng ngành nghề, có doanh nghiệp rất tốt, nhưng có doanh nghiệp rất yếu. 6 tháng đầu năm, chúng ta đã chứng kiến các lĩnh vực, ngành nghề có giá cổ phiếu tăng, như: Tài nguyên cơ bản giá cổ phiếu tăng 66%; Dịch vụ tài chính tăng 56%; Công nghệ thông tin tăng 54,6%; Ngân hàng tăng 42%; Hàng cá nhân và gia dụng tăng 27%; Bất động sản tăng 27%; Tài nguyên và gia dụng tăng 33%. Một số ngành nghề tăng thấp hơn như Thực phẩm và đồ uống; Du lịch và giải trí, bảo hiểm; Điện nước, xăng dầu, khí đốt; Y tế… tăng trưởng chỉ khoảng 5-7%. Điều này cho thấy có sự phân hóa ngành nghề rõ và sự tăng trưởng thiếu bền vững.

Cuối cùng, đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, TS. Cần Văn Lực cho rằng, các nhà đầu tư đang sống trong trạng thái đầy xúc cảm, trong bối cảnh như vậy các nhà đầu tư “cần thông thái, cần điềm tĩnh” nếu thị trường có điều chỉnh, không điềm tĩnh sẽ dễ thất bại.

Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Công ty cổ phần Chứng khoán VPS; Công ty cổ phần FECON; Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T; Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội; Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt và Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM.

Tin bài liên quan