Số liệu trên được Cơ quan thống kê Vương quốc Anh chính thức công bố hôm nay 15/9. Đây cũng là mức tăng lớn nhất hàng tháng trong lịch sử thống kê lạm phát của Anh, tính từ tháng 1/1997.
Trước đó, các nhà kinh tế dự đoán với Reuters rằng tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh tính đến tháng 8 sẽ tăng khoảng 2,9%, dựa trên nền tăng 2,0% của chỉ số này trong tháng 7.
Cơ quan thống kê Vương quốc Anh đánh giá, mức lạm phát tăng kỷ lục "có thể chỉ là biến động tạm thời", đồng thời cho rằng chương trình "Ăn tiệm để kích thích kinh tế (EOHO)" của chính phủ Anh vào năm ngoái có thể là nguyên nhân khiến lạm phát nhảy vọt.
"Vào tháng 8/2020, các nhà hàng và quán cà phê đã giảm giá để hưởng ứng chương trình EOHO. Khách hàng được giảm nửa giá đồ ăn hoặc đồ uống (có giá lên đến 10 bảng Anh) từ trong ba ngày từ thứ Hai đến thứ Tư", Cơ quan thống kê Anh cho biết.
Cơ quan này lập luận, "do EOHO là một chương trình ngắn hạn, nên biến động lạm phát tăng vọt 12 tháng qua, tính đến tháng 8/2021 có thể chỉ là tạm thời".
Trên thực tế, chỉ số lạm phát vừa công bố lại một lần nữa cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh đề ra và chắc chắn sẽ thúc ép những người kêu gọi chấm dứt các gói kích thích kinh tế thời đại dịch.
Lạm phát tăng cao trong bối cảnh giá năng lượng tại Vương quốc Anh leo tháng và quốc gia này tiếp tục mở cửa trở lại sau các đợt phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt.
Ở góc độ nghiên cứu, ông Samuel Tombs, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics (Anh) cho rằng giá ô tô đã qua sử dụng mới là nguyên nhân gây ra lạm phát của Anh tăng bất ngờ.
Lạm phát lõi của Anh trong tháng 8 tăng cao hơn bình thường hàng tháng chủ yếu là do giá ô tô đã qua sử dụng tăng vọt 4,9%, ông Tombs dẫn chứng. Tuy nhiên, chuyên gia này dự đoán lạm phát lõi sẽ không tăng thêm trong tháng 9, bởi giá cả tại các nhà hàng đã phục hồi bằng mức ở cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng việc tăng trần giá năng lượng và tăng thuế đối với ngành du lịch có thể cùng lúc đẩy lạm phát của Anh lên cao trong tháng 10.