Lạm phát hạ nhiệt, giới đầu tư hồ hởi gom hàng

Lạm phát hạ nhiệt, giới đầu tư hồ hởi gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ lấy lại động lực đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (15/9) trong bối cảnh giá dầu thô tăng mạnh thúc đẩy cổ phiếu năng lượng và loạt dữ liệu tích cực cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.

Tuần này, thị trường đón nhận loạt dữ liệu kinh tế cho thấy dấu hiệu lạm phát đang hạ nhiệt, bên cạnh đó là đà trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế ngay cả khi gặp hạn chế về nguồn cung cũng như cản trở từ cơn bão Ida hồi cuối tháng 8.

Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư báo cáo, chỉ số giá nhập khẩu (IPI) giảm 0,3% trong tháng 8 sau khi tăng 0,4% trong trước đó, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2020 và hạ mức tăng hàng năm xuống còn 9% từ mức 10,3% trong tháng 7.

Trước đó một ngày, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ tăng 0,3%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng trước đó. Trong khi đó, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, chỉ tăng 0,1%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Các dữ liệu gần đây đều hỗ trợ cho quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng, áp lực lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời.

Mặt khác, một báo cáo được Fed công bố cùng ngày cho thấy, sản lượng sản xuất các nhà máy tại Mỹ ghi nhận tăng 0,2% trong tháng trước. Dữ liệu cho tháng 7 cũng được điều chỉnh tăng 1,6% thay vì 1,4% như báo cáo trước đó. Sản lượng của các nhà máy đang cao hơn 1,0% so với mức trước đại dịch.

Tuần tới, cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ được phân tích chặt chẽ để tìm ra các tín hiệu về thời điểm Fed bắt đầu giảm bớt chương trình mua trái phiếu.

Cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhất trong phiên đêm, hưởng lợi từ việc giá dầu thô liên tục tăng khi sản lượng dầu Vùng Vịnh vẫn chưa khôi phục hoàn toàn sau bão Ida.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của phố Wall đều đóng cửa trong sắc xanh. Cả Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng đang trong xu hướng leo dốc trong phiên giao dịch ngoài giờ.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Dow Jones tăng 236,82 điểm (+0,68%), lên 34.814,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,65 điểm (+0,85%), lên 4.480,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 123,77 điểm (+0,82%), lên 15.161,53 điểm.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm hôm thứ Tư với cổ phiếu các công ty bán lẻ và các hãng xa xỉ tiếp tục suy yếu do lo ngại nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Chứng khoán Anh cũng chịu áp lực sau khi dữ liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát của Anh trong tháng 8 tăng lên mức kỷ lục trong vòng 9 năm qua.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,57 điểm (-0,25%), xuống 7.016,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 106,99 điểm (-0,68%), xuống 15.616,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 69,38 điểm (-1,04%), xuống 6.563,62 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, chịu áp lực chốt lời sau đợt tăng tốc gần đây đưa chỉ số chính lên mức cao nhất trong hơn 30 năm.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do dữ liệu bán lẻ và công nghiệp yếu kém, trong khi đợt bùng phát Covid-19 mới cũng làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi kinh tế nước này.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do cổ phiếu ngành game và sòng bạc giảm sau khi truyền thông đưa tin Bắc Kinh sẽ nỗ lực càn quét để thúc đẩy sự phát triển của internet “văn minh”.

Chứng khoán Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng nhờ hoạt động mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 158,39 điểm (-0,52%), xuống 30.511,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,38 điểm (-0,17%), xuống 3.656,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 469,02 điểm (-1,84%), xuống 25.033,21 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 4,57 điểm (+0,15%), lên 3.153,40 điểm.

Ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD không cầm cự được lâu, giá vàng tuột dốc trong phiên đêm qua khi dòng tiền chảy sang kênh chứng khoán, đồng thời vàng cũng chịu áp lực giảm từ việc Fed sắp tiến tới cắt giảm chương trình mua tài sản.

Kết thúc phiên 15/9, giá vàng giao ngay giảm 10,50 USD (-0,58%), xuống 1.794,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 12,40 USD (-0,69%), xuống 1.792,60 USD/ounce.

Giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong phiên ngày thứ Tư sau khi dữ liệu của chính phủ cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến ​​và dự báo ​​nhu cầu sẽ tăng khi triển khai tiêm chủng mở rộng.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2019, kéo dài đợt suy giảm sau cơn bão Ida vào cuối tháng 8 khiến nhiều nhà máy lọc dầu và sản xuất khoan ngoài khơi buộc phải đóng cửa.

Cụ thể, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 6,4 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 10/9, xuống còn 417,4 triệu thùng, giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 3,5 triệu thùng.

Kết thúc phiên 15/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,15 USD (+3,1%), lên 72,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,86 USD (+2,5%), lên 75,46 USD/thùng.

Tin bài liên quan