Cần chuyển động mạnh mẽ từ Chính phủ…
Giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), chế độ kế toán Việt Nam và IFRS còn có khoảng cách rất lớn. Do đó, để đảm bảo tính tuân thủ và được quốc tế công nhận là quốc gia áp dụng IFRS, văn bản hướng dẫn áp dụng bộ chuẩn mực này cần đặc biệt lưu ý các diễn giải, hướng dẫn, quy định phải nhất quán với quan điểm và nguyên tắc của IFRS.
Bản thân IFRS cũng liên tục vận động và thay đổi nhanh chóng, nên Việt Nam cũng cần có cơ chế để tham gia vào quá trình nghiên cứu, góp ý soạn thảo để đóng góp tiếng nói của mình, đồng thời có thể cập nhật từ sớm các thay đổi để có sự chuẩn bị kịp thời, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhóm 1 áp dụng.
Để rút ngắn khác biệt giữa VAS và IFRS, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng toàn bộ IFRS sau này, Bộ Tài chính cần sửa đổi, cập nhật và ban hành lại các chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng áp dụng IFRS.
Ưu tiên các chuẩn mực đơn giản và không có nhiều sự khác biệt so với IFRS và ban hành các chuẩn mực còn thiếu, nhưng rất quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam hiện tại như: Áp dụng IFRS lần đầu, Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu, Công cụ tài chính, Suy giảm giá trị tài sản, Nông nghiệp, Phúc lợi người lao động, Thăm dò và đánh giá tài nguyên và khoáng sản, Xác định giá trị hợp lý, Kế toán đối với nguồn tài trợ và trình bày sự hỗ trợ của chính phủ…
IFRS tương đối phức tạp và khó hiểu đối với người sử dụng, ngay cả những nền kinh tế phát triển. Do vậy, chúng ta cần gấp rút đưa nội dung IFRS vào các chương trình đào tạo chính quy cũng như các khóa học bổ trợ về IFRS nhằm nâng cao kiến thức và năng lực đội ngũ kế toán, người sử dụng báo cáo tài chính và các cơ quan quản lý.
Chính phủ và các trường đại học cũng cần đầu tư hỗ trợ các giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn về IFRS và tăng cường khả năng ngoại ngữ, phân tích, xét đoán và ra quyết định cho các học viên. Chúng ta cần tham khảo, liên kết với các trường đại học nước ngoài, các hiệp hội quốc tế như ACCA, CPA Úc, ICAEW triển khai các chương trình đào tạo IFRS chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Một câu hỏi lớn trong kế toán quốc tế mà hiện tại vẫn chưa có lời giải thỏa đáng là “How fair is the fair value?” (Giá trị hợp lý hợp lý đến đâu?). Giá trị hợp lý có thể hợp lý với người này, nhưng chưa chắc đã hợp lý với người khác. Việc xác định giá trị hợp lý thường đi kèm với nhiều yếu tố ước tính, giả định trong tương lai.
Do đó, hành lang pháp lý, trình độ của đội ngũ thẩm định giá, cơ quan quản lý, cơ quan thuế, đơn vị kiểm toán, người sử dụng báo cáo tài chính phải được nâng cao đáng kể để có thể phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các gian lận có thể xảy ra.
Các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn, định giá chuyên nghiệp là cực kỳ cần thiết, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc áp dụng IFRS. Do đó, Nhà nước cần có các cơ chế ưu đãi, chính sách thông thoáng khuyến khích đầu tư, phát triển các lĩnh vực này, nhưng vẫn phải có các quy định cần thiết để đảm bảo chất lượng của các dịch vụ cung cấp. Cùng với đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp chọn lựa, sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp từ các đơn vị cung cấp có uy tín để từ đó từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hệ thống kế toán hiện nay còn chịu nhiều ảnh hưởng của các quy định về thuế, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn quan niệm lập báo cáo tài chính chủ yếu để phục vụ cơ quan thuế. Do đó, việc áp dụng IFRS với các nguyên tắc coi trọng nội dung hơn hình thức, giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi được, tổn thất tài sản… vốn mang nhiều tính xét đoán sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt với quy định thuế hiện hành.
Điều này dẫn đến việc phát sinh thêm thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong việc theo dõi kế toán, thuế và tạo ra sự lúng túng, tâm lý quan ngại, bất hợp tác của người làm nghề kế toán, doanh nghiệp và chính các cơ quan quản lý.
Vẫn biết là sự khác biệt giữa kế toán và thuế là không thể tránh khỏi, nhưng các cơ quan quản lý liên quan cần phải có lộ trình phù hợp để xây dựng hành lang pháp lý và làm giảm các sự khác biệt tới mức nhỏ nhất có thể.
Để đảm bảo tính tuân thủ chuẩn mực kế toán trong thực tế, cần hoàn thiện môi trường pháp lý về kế toán, kiểm toán, tăng cường yêu cầu phát triển hệ thống quản trị công ty, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc Bộ Tài chính xây dựng cơ quan giám sát báo cáo tài chính để đảm bảo sự tuân thủ với chuẩn mực kế toán, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng của báo cáo tài chính.
… và phía doanh nghiệp
Mục tiêu của IFRS là tăng cường tính minh bạch trong thông tin của báo cáo tài chính. Do đó, để áp dụng IFRS thành công, bản thân ban điều hành, chủ sở hữu doanh nghiệp phải thay đổi nếp suy nghĩ theo hướng cần phải minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin.
Việc áp dụng IFRS không chỉ đơn thuần là sự thay đổi ghi nhận và trình bày thông tin kế toán, mà còn ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp từ khâu lập kế hoạch, triển khai, quản lý và giám sát các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo đó, các quy trình hoạt động, hệ thống thông tin, kiểm tra kiểm soát, chỉ tiêu đánh giá hoạt động (KPI)… sẽ bị ảnh hưởng.
Để tận dụng tối đa lợi ích mà IFRS đem lại và hạn chế tối đa tác động không mong muốn, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc đánh giá và sửa đổi hay thay thế các quy trình, hệ thống hiện hành cho phù hợp.
Để làm tốt vấn đề này, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các nhà tư vấn chuyên nghiệp và các khoản đầu tư ban đầu thỏa đáng.
Phương pháp hạch toán các giao dịch theo IFRS thông thường dựa vào “bản chất hơn hình thức”. Vì vậy, để lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS, ban giám đốc doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm cao hơn, dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thông tin thực tế nhằm phản ánh bản chất của nghiệp vụ kinh tế.
Việc áp dụng đúng các phương pháp hạch toán và các yêu cầu trình bày và thuyết minh theo IFRS có thể khiến kế toán phải ghi chép thông tin nhiều hơn, chi tiết hơn, dẫn đến gia tăng khối lượng công việc, đòi hỏi doanh nghiệp phải đào tạo và bổ sung nhân sự kế toán.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư này sẽ giúp nâng cao chất lượng quản trị, tính minh bạch và hợp lý của thông tin, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức về việc sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn, định giá theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đầu tư chi phí cho việc nâng cao chất lượng báo cáo tài chính về dài hạn sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp trong công tác quản trị, hạn chế rủi ro và giảm chi phí huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước hay qua thị trường chứng khoán.
Với điều kiện hiện tại, việc áp dụng IFRS ở Việt Nam thực sự là một thử thách lớn, đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp, các hiệp hội, các trường đào tạo, người làm kế toán và các bên khác có liên quan.
Tuy nhiên, việc áp dụng toàn bộ IFRS sẽ mở ra một xu hướng mới thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của báo cáo tài chính, loại trừ sự khác biệt trong các chuẩn mực kế toán, tăng cường minh bạch thông tin, mở ra cơ hội hội nhập sâu rộng cho doanh nghiệp Việt trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Thay cho lời kết, xin trích dẫn ý kiến của ông Hans Hoogervorst, Chủ tịch Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế: “Những khó khăn mà Việt Nam phải vượt qua để mở rộng phạm vi áp dụng IFRS không đáng gì so với những lợi ích mà IFRS mang lại cho nền kinh tế, cũng như các doanh nghiệp về dài hạn. Quan trọng là nhà nước và doanh nghiệp hãy đổi mới mạnh mẽ…".
Ông Trường là Phó tổng giám đốc phụ trách kiểm toán và là Trưởng bộ phận Tư vấn kế toán của EY Vietnam với trên 15 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn cho các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam như Công ty France Telecom, Intel, Sanofi, Aventis, Coca Cola, nhóm công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam, Sabeco, REE, Thế giới di động, VNG, HAG, AA…
Ông Trường có kiến thức sâu rộng về các chuẩn mực kiểm toán, kế toán, các quy định của thị trường chứng khoán Việt Nam và quốc tế. Ông Trường là kiểm toán viên công chứng được Bộ Tài chính Việt Nam công nhận và là hội viên Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), thành viên cao cấp (FCCA) của Hội Kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA), thành viên của Hội đồng thành viên ACCA Việt Nam, thành viên của Hội Kiểm toán viên công chứng Úc (CPA Australia). Ông cũng có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh do Đại học Bolton, Vương quốc Anh cấp.