Công ty tài chính tăng lãi suất
Chị Huyền Anh - đang công tác tại một doanh nghiệp lĩnh vực may mặc cho biết, đầu tháng 11/2018, gia đình chị có nhu cầu mua sắm một số vật dụng tại một cửa hàng điện máy. Do thu nhập có hạn, trong khi cửa hàng có liên kết với một số công ty tài chính để hỗ trợ người mua hàng nên chị chọn hình thức mua trước, trả sau (trả góp) tại FE Credit.
"Tuy giá trị sản phẩm không lớn, chỉ trên 10 triệu đồng, nhưng lãi suất mỗi tháng phải trả là hơn 3%/tháng, tức hơn 36%/năm, chưa kể nợ gốc", chị Huyền Anh cho hay.
Ngoài những cái tên quen thuộc là FE Credit, Home Credit hay ACS, trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam gần đây xuất hiện thêm một số "tân binh" như SHB Finance, Viet Caredit, Easy Credit… Số lượng công ty tài chính tiêu dùng tuy tăng, nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng lại không giảm, phổ biến từ 30-40%/năm, thậm chí còn lên tới 60%/năm. Với sản phẩm hỗ trợ lãi suất 0%/năm, chủ yếu dành cho một số dòng sản phẩm có giá trị cao và cũng chỉ ưu đãi trong một thời gian ngắn.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty tài chính mới gia nhập thị trường cho biết, do sản phẩm chủ đạo là cho vay tiền mặt và hình thức vay là tín chấp, khách hàng chủ yếu là người dân - đối tượng khó tiếp cận vốn ngân hàng, vốn là phân khúc có rủi ro lớn, nên phải áp lãi suất cao để bù đắp rủi ro.
Cũng theo vị này, lãi vay tiêu dùng tại công ty tài chính cao còn do yếu tố mùa vụ khi đây đang là mùa mua sắm cao điểm cuối năm, cầu vốn thường tăng mạnh dịp này.
"Đó là chưa kể công ty tài chính không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư, mà phải vay mượn từ các định chế tài chính khác với chi phí cao, nên lãi suất cho vay khó có thể rẻ", vị lãnh đạo trên nói.
Đánh giá về cách thức tính lãi suất của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay, ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho rằng, cần quy về lãi suất theo năm và khoản vay theo lãi suất dựa trên số tiền đi vay.
"Trước khi có Thông tư 39/2016/TT-NHNN, một số công ty tài chính niêm yết lãi suất nhìn có vẻ thấp, nhưng tính ra người vay phải trả tiền cao. Do đó, trong Thông tư 39, NHNN đã đưa ra mức lãi suất, công thức tính lãi suất cụ thể để người tiêu dùng có thể nắm rõ. Cùng với đó, NHNN cũng yêu cầu các công ty tài chính phải gửi khung lãi suất, đưa ra quy định về cách tính, phương pháp tính lãi suất để khi thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý có cơ sở tính mức độ cho vay, chi phí, thu nhập...", ông Du cho hay.
Ngân hàng cũng "đón gió"
Trên thực tế, không chỉ các công ty tài chính tiêu dùng “kéo căng” lãi vay đối với khách hàng trong dịp cuối năm, mà các ngân hàng cũng "tranh thủ" việc cầu vốn cá nhân gia tăng để nâng lãi suất cho vay tiêu dùng.
Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán tại nhiều ngân hàng cho thấy, lãi suất tín dụng tiêu dùng (không tín chấp) dao động từ 16-20%/năm và cá nhân chỉ được vay hạn mức tối đa gấp 5 lần thu nhập. Với khoản vay có tài sản thế chấp, lãi suất cho vay thấp hơn và hạn mức được cấp tối đa khoảng 500 triệu đồng.
Chẳng hạn, với gói vay tín chấp, ACB áp dụng lãi suất tối thiểu từ 9,5%/năm; Vietcombank từ 10,8-17,7%/năm; BIDV từ 9,6-15,6%/năm; Vietinbank từ 9,6-19,2%/năm… Tuy nhiên, mức lãi suất thấp chỉ dành cho khách hàng tốt và sự ưu đãi cũng chỉ kéo dài từ 1-3 tháng, còn với đa phần khách hàng, mức phải trả phổ biến là trên 15%/năm...
Trước thực tế trên, có ý kiến cho rằng, cần phải áp trần đối với lãi vay tiêu dùng ở mức 20%/năm. Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được nhiều sự ủng hộ.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tín dụng tiêu dùng vốn là một mảng quan trọng và đã được áp dụng cơ chế thỏa thuận lãi suất từ lâu, nếu áp trần thì hoạt động này sẽ bị bóp nghẹt, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế.
"Tuy nhiên, không vì thế mà lãi vay tiêu dùng được áp mức quá cao, vượt khả năng chịu đựng của khách hàng", ông Lực nhấn mạnh.