Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm. Ảnh: Dũng Minh

Lãi vay sắp giảm thêm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục dư thừa, áp lực giá tiêu dùng vẫn chưa đáng lo ngại, lãi suất cho vay được cho là sẽ giảm thêm từ 0,05-0,16 điểm phần trăm trong quý đầu năm.

Thanh khoản vẫn dồi dào mùa cao điểm

Dạo qua các ngân hàng ngày cuối năm, không khí tất bật vẫn có nhưng không quá nhộn nhịp như các năm trước. 12h trưa điện thoại cho một kiểm soát viên của SCB, cô gái cho biết, công việc vẫn đang diễn ra bình thường như mọi ngày.

“Sự bình thường thực ra là có bất thường nếu so với thời điểm này các năm trước, nhân viên ngân hàng không kịp đứng lên để đi vệ sinh chứ làm gì có chuyện nghe được điện thoại. Khách hàng đến rút tiền chi tiêu cho dịp Tết, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cũng như rút tiền thưởng Tết… Guồng quay đó lớn dần lên qua các năm trước, nhưng đến năm nay thì khựng lại”, cô chia sẻ.

Thực tế, tuần từ 18-22/1, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ 3 điểm phần trăm về mức 0,175%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,23%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi và cho vay cũng không thay đổi trong tuần vừa qua.

Ngày đầu tuần, 25/1, lãi suất VND liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm - 1 tuần đi ngang quanh mức 0,1-0,3%/năm khi thanh khoản duy trì ổn định, nguồn cung dồi dào tại các ngan hàng thương mại lớn. Ngày 26/1, lãi suất qua đêm - 1 tuần tiếp tục dao động quanh mức 0,1-0,3%/năm. Chênh lệch lãi suất VND - USD các kỳ hạn qua đêm - 1 tuần là 0-0,2%/năm, 2 tuần là 0-0,3%/năm, 1 tháng là 0,1-0,3%/năm và 3 tháng là 0,3-0,5%/năm.

Cũng trong tuần qua, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,5%/năm. Không có khối lượng trúng thầu cho nên không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

“Thanh khoản vẫn dồi dào trong mùa cao điểm, giao dịch tại Ngân hàng khá yên ả so với các năm trước”, trưởng phòng giao dịch VPBank trên đường Láng Hạ nói.

Thực tế cũng cho thấy thanh khoản trong hệ thống tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa, thậm chí khi chỉ trong 10 ngày cuối năm 2020, dư nợ tín dụng tăng thêm gần 2%, tương đương khoảng 150.000 tỷ đồng, giúp cho tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/12/2020 đạt mức 12,13% so với cuối năm 2019 nhưng thị trường tiền tệ không có nhiều biến động.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2021 đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện vừa công bố cho biết, thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt trong quý I và cả năm 2021 là cơ sở cho kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19.

Tăng trưởng tín dụng cũng được các chuyên gia phân tích nhìn nhận là sẽ tăng trong năm nay, với mức tăng 12 - 14% khi các chỉ số IIP (sản xuất công nghiệp), PMI (quản lý thu mua) đều cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục phục hồi, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua nhờ định hướng chính sách củaNgân hàng Nhà nước. Đặc biệt, tín dụng kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm 2021 với giả định vắc-xin Covid-19 được phân phối rộng rãi tại nhiều quốc gia, tạo điều kiện cho kinh tế toàn cầu hồi phục.

Đón đầu làn sóng phục hồi

Điểm đáng chú ý tại kết quả điều tra cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tổng thể của năm 2020 ở mức thấp hơn so với năm 2019 do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và do hệ thống tổ chức tín dụng đã chủ động giảm giá bình quân sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Dự kiến đến cuối năm 2021, hầu hết các nhóm tổ chức tín dụng đều kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể tăng trưởng khá so với năm 2020.

Kết quả điều tra cũng cho biết, có 66,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý I/2020 cải thiện hơn so với quý IV/2020 và 81% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh trong năm 2021 cải thiện hơn so với năm 2020.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định: “Để phục hồi và tăng trưởng, một trong những giải pháp trọng yếu là các ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh tín dụng ngay từ những ngày đầu năm”.

Đơn cử, MB vừa triển khai gói tín dụng “MB Retail năm 2021” quy mô 50.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,9%/năm nhằm giúp khách hàng cá nhân phục hồi sau Covid-19, áp dụng từ nay đến hết 30/6. Trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng vay kinh doanh được ưu đãi lãi suất trong 3, 6, 11 tháng với mức lãi suất từ 5,9%/năm. Khách hàng vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi 7,4%/năm trong 6 hoặc 12 tháng; vay mua/xây, sửa nhà áp dụng ưu đãi 24 tháng với lãi suất từ 7,2%/năm.

Tương tự, để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích tiêu dùng và kinh doanh, BAC A BANK triển khai chương trình tín dụng “Nhận ưu đãi - Giành thành công” giúp khách hàng cá nhân được hỗ trợ tài chính với mức lãi suất cạnh tranh. Chẳng hạn, nếu vay để bổ sung vốn, vay đầu tư tài sản phục vụ sản xuất - kinh doanh..., khách hàng được áp dụng mức lãi suất tối thiểu 6,69%/năm; vay trông chăm sóc cây công nghiệp, vay nông nghiệp trồng rau hoa quả lãi suất từ 8,99%/năm.

“Đón đầu làn sóng phục hồi của nền kinh tế với những tín hiệu khả quan ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình ‘Nhận ưu đãi - Giành thành công’ để cung cấp những giá trị gia tăng tốt nhất cho khách hàng”, bà Vũ Thanh Thuỷ, Phó giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của BAC A BANK nhấn mạnh.

Lãi suất có thể giảm thêm 0,05-0,16 điểm phần trăm

Được biết, một số ngân hàng cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng quý I/2021 từ 3-4% so với cuối năm 2019. Theo quan sát, tăng trưởng tín dụng các năm trước thường rất thấp trong tháng đầu năm, thậm chí có thể tăng trưởng âm với những năm tín dụng tăng quá mạnh trong tháng 12 năm liền trước. Bởi vậy, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn dư thừa, lãi suất tiền gửi, lãi suất liên ngân hàng sẽ giữ ổn định ở vùng hiện tại và lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên trong quý I/2021.

“Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nửa đầu năm 2021, khi áp lực giá tiêu dùng vẫn chưa đáng lo ngại”, chuyên viên phân tích vĩ mô của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo.

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 2020 và triển vọng 2021: Đổi mới để thích ứng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ từ Chương trình Aus4Reform (Úc) khuyến nghị: “Cân nhắc thận trọng dư địa để tiếp tục hạ lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2021. Nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên”.

Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ đã chạm mức đáy từ trước đến nay, trong khi lãi suất huy động cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua. KBSV dự báo, mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021 khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa và khả năng tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021 sẽ xảy ra khi: Thứ nhất, kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 tăng; thứ hai, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh; thứ ba, lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung - dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng nhận định mặt bằng lãi vay đã giảm rõ rệt trong năm 2020 và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong quý I/2021, với mức giảm bình quân kỳ vọng là 0,05-0,16 điểm phần trăm so với cuối năm 2020.

Tin bài liên quan