Tiếp tục giảm lãi cho khách hàng…
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến khách hàng gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng đã triển khai một loạt chính sách hỗ trợ linh hoạt tới từng phân khúc, từng trường hợp khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ…
Cùng với đó, Nam A Bank còn cấp tín dụng mới cho khách hàng có tiềm năng phục hồi sau giãn cách để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, từ nay đến ngày 28/2/2022, Nam A Bank dành 3.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi, với lãi suất giảm về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân vay nhằm mục đích phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trước đó, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng dịch, Nam A Bank đã giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm đối với khoản vay hiện hữu của cá nhân trong vòng 3 tháng. Với doanh nghiệp, ngân hàng này dành hạn mức đến 10.000 tỷ đồng, lãi vay chỉ từ 6,5%/năm.
“Việc giảm lãi vay, cơ cấu nợ cho khách hàng được chúng tôi chủ động thực hiện với cam kết đồng hành cùng khách hàng và trách nhiệm chia sẻ cùng nền kinh tế”, ông Tâm nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, không chỉ khách hàng doanh nghiệp, mà với khách hàng cá nhân, từ đầu năm 2021 đến nay, OCB đã triển khai 16 chương trình cho vay với lãi suất giảm từ 2-3%/năm, với gần 4.000 khách hàng tham gia.
Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng sẽ khó giảm thêm lãi suất tiết kiệm vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi vốn đã giảm đi nhiều khi mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm mạnh thời gian qua.
“Để đáp ứng cầu vốn mua nhà của cá nhân, OCB vừa ra mắt sản phẩm vay ‘Dream Home’, lãi suất từ 6,99%/năm, thời gian vay 30 năm, nhằm giúp khách hàng giảm bớt nỗi lo tài chính khi mua nhà. Khách hàng được linh hoạt lựa chọn hình thức thanh toán lãi, gốc định kỳ...”, ông Tùng nói và thông tin thêm, ngoài các gói ưu đãi cho nhóm khách hàng vay mới, OCB còn đồng hành cùng các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng dịch trong việc xét xét giảm lãi, phí các khoản vay.
Tại ABBank, tính đến hết ngày 31/10/2021, dư nợ gốc cơ cấu lũy kế đối với phân khúc khách hàng cá nhân đạt 212,26 tỷ đồng, dư nợ lãi là 86,94 tỷ đồng. Ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank cho hay, trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục cân đối nguồn ngân sách để hỗ trợ các khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn do dịch.
“Từ nay đến cuối năm 2021, ABBank dành 3.500 tỷ đồng cho cá nhân, hộ kinh doanh có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, vay mua nhà, xe ôtô, xây sửa nhà cửa, vay tiêu dùng..., thời hạn vay tối thiểu 24 tháng, lãi suất từ 7,6%/năm cho 6 tháng đầu, 8,6%/năm 6 tháng tiếp theo hoặc 7,99%/năm trong 12 tháng đầu”, ông Hải thông tin.
Không chỉ nhà băng nội, các ngân hàng ngoại cũng chung tay cơ cấu nợ, giảm lãi vay cho khách vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho hay, ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định liên quan đến vấn đề này tại các thông tư 01, 03 và 14, Shinhan Việt Nam đã có các hướng dẫn nội bộ theo sát nội dung các thông tư và triển khai hỗ trợ kịp thời những khách hàng vay mua nhà bị ảnh hưởng dịch, trong đó tiếp tục thực hiện giảm lãi vay mua nhà trong tháng 10/2021.
“Kể từ tháng 10/2021, lãi suất vay mua nhà của Shinhan Việt Nam giảm mạnh ở gói cố định 5 năm đầu. Cụ thể, năm đầu tiên khách hàng vay được giảm lãi suất từ mức 7,8%/năm xuống mức 5,49%/năm (tức giảm 2,31%/năm so với trước) và duy trì mức này trong suốt 12 tháng đầu. Ngoài ra, việc Shinhan Việt Nam áp dụng chính sách lãi suất cố định kéo dài và ở mức thấp trong suốt 4 năm sau đó (7,8%/năm) cũng là điểm khác biệt so với các ngân hàng khác trên thị trường”, ông Vũ nhấn mạnh.
… nhưng sẽ khó giảm sâu
Thực tế, sức cầu tín dụng thường tăng cao dịp cuối năm, nhất là với cá nhân có nhu cầu mua nhà. Tại Việt Nam, nhu cầu sở hữu nhà ở ngày một tăng do đang trong thời kỳ “dân số vàng” cùng tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tại địa bàn Thành phố, mỗi năm có hơn 50.000 cặp vợ chồng trẻ kết hôn, dẫn tới nhu cầu về nhà ở tăng cao, song khả năng sở hữu nhà của những đối tượng này rất hạn chế vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu giải pháp tài chính phù hợp.
“Xu hướng làm việc tại nhà trong mùa dịch cũng là lý do dẫn tới nhu cầu nhà ở tăng lên. Tuy nhiên, làm thế nào để sở hữu một căn hộ hay ngôi nhà riêng, phải có kế hoạch tài chính như thế nào, cần vay bao nhiêu tiền, từ các nguồn nào… là thắc mắc của bất kỳ ai khi có ý định mua nhà. OCB đưa ra sản phẩm vay ‘Dream Home’ một phần cũng là để trả lời thắc mắc này”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay.
Còn ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank cho biết, người mua nhà thường có tâm lý muốn dọn về ngôi nhà mới trước Tết Nguyên đán, cho nên các ngân hàng thường giảm lãi suất trong thời gian này nhằm kích cầu tín dụng mua nhà. Theo đó, nhiều khả năng lãi suất vay mua nhà sẽ có biến động nhẹ trong thời gian cuối năm nay và đầu năm sau.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ Shinhan Việt Nam nói: “Từ nay tới Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu vay vốn mua nhà, tiêu dùng, mua xe sẽ tăng, nhưng mức độ tăng sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Nếu dịch được kiểm soát tốt hơn thì cầu vay vốn sẽ rất mạnh và ngược lại”.
Về xu hướng lãi suất, theo ông Vũ, từ nay cho đến cuối năm 2021, lãi suất cho vay mua nhà còn dư địa giảm, nhưng khó giảm mạnh khi lãi suất huy động (chi phí đầu vào) của các ngân hàng đã tới hạn, khó có thể hạ thêm để hỗ trợ lãi suất cho vay (chi phí đầu ra).
“Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng sẽ khó giảm thêm lãi suất tiết kiệm vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi vốn đã giảm đi nhiều khi mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm mạnh thời gian qua. Bên cạnh đó, việc cầu tín dụng thường tăng những tháng cận Tết Nguyên đán cũng làm tăng áp lực về nguồn vốn”, ông Vũ phân tích, đồng thời cho biết thêm, nền kinh tế chỉ mới mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội, nên các ngân hàng cần thêm thời gian quan sát và đánh giá thị trường để điều chỉnh lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến kịch bản hoạt động tín dụng hồi phục mạnh từ tháng 10/2021, từ đó đưa ra chính sách điều hành lãi suất phù hợp.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2020 và cao hơn mức 6,5% của cùng kỳ năm trước.