Lãi vay không tăng theo mùa vụ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa cho vay cuối năm nay dự báo sẽ không có tình trạng lãi suất vay tăng cục bộ như mọi năm.
Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, nhưng lãi vay sẽ không tăng. Ảnh: Dũng Minh

Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, nhưng lãi vay sẽ không tăng. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất huy động nhích tăng

Gần đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng từ 0,1-0,3%/năm. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất hiện nay là 7%/năm đối với kỳ hạn dài.

Đơn cử, Eximbank tăng lãi suất huy động tiền đồng thêm 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn từ đầu tháng 12/2021. OCB cũng tăng lãi suất huy động tiền đồng thêm 0,2%/năm. Một số ngân hàng có mức lãi suất huy động tăng khác như SCB ở mức 6,95%/năm kỳ hạn 18 tháng, HDBank huy động lãi suất 6,9%/năm kỳ hạn 13 tháng…

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc lãi suất tiền gửi nhích tăng trong tháng cuối năm là dễ hiểu. Bởi xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng thu hút vốn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên cần tăng lãi suất tiết kiệm. Hơn nữa, việc tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài trước đó khiến lượng tiền gửi tiết kiệm sụt giảm mạnh khi nhà đầu tư chuyển sang những kênh đầu tư có lợi tức cao hơn như bất động sản, chứng khoán...

Số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng gần như đi ngang kể từ tháng 2/2021, thậm chí giảm liên tiếp trong tháng 8 và 9/2021 (so với tháng liền trước), lần lượt là 2.459 tỷ đồng và 1.473 tỷ đồng.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, nếu lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3- 4% thì với mặt bằng lãi suất như trên, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang gia tăng, thêm vào đó là các thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục hút mạnh tiền nhàn rỗi…, nên mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ có xu hướng dần nhích tăng trong tháng cuối năm 2021 và đầu quý I/2022.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, với lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, cộng thêm rủi ro về lạm phát tăng đã khiến dòng tiền nhàn rỗi dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản...

Theo TS. Hiếu, lạm phát tăng cao không phải là nguy cơ với riêng Việt Nam, mà với nhiều quốc gia trên thế giới khi áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn dịch bệnh. Khi lạm phát tăng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sử dụng công cụ tiền tệ để kiềm chế và điều này sẽ thúc đẩy lãi suất cho vay tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy vậy, mức tăng sẽ không nhiều bởi thanh khoản của các ngân hàng hiện vẫn rất dồi dào.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định rằng, Việt Nam có thể điều chỉnh tăng lãi suất huy động nếu áp lực lạm phát tăng mạnh trong năm 2022. Theo Mirae Asset, nhằm làm giảm ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành với mức giảm lên tới 150 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ đầu năm 2020 tới nay, nên việc giảm thêm sẽ khó xảy ra trong tháng cuối năm này, cho dù lạm phát đã tăng nhẹ trong 10 tháng đầu năm 2021 và dự kiến sẽ tăng mạnh hơn từ đầu năm 2022 dưới tác động của việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng…, thặng dư thương mại thấp hay tiếp tục triển khai các gói kích thích kinh tế.

Lãi vay khó tăng thêm

Ở góc nhìn khác, TS. Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, với lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới mức 2%, lạm phát cơ bản dưới mức 1% và có khả năng vẫn ở dưới mức 3% vào cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành ít nhất 1%/năm, cũng như mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn..., qua đó đưa mặt bằng lãi suất cho vay thương mại bình quân tiếp tục giảm xuống.

Ông Phước cũng cho rằng, cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm, chứ không nhất thiết phải điều hành chính sách tiền tệ sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. Trong khoảng thời gian này, lạm phát có thể năm cao, năm thấp, nhưng bình quân dưới mức 4% là chấp nhận được.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, có nhiều yếu tố hỗ trợ duy trì mặt bằng lãi suất thấp từ nay tới cuối năm như quan điểm nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nguồn ngoại tệ, kiều hối tăng trưởng tốt, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào... Đồng thời, để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2021, nhiều ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước nới room và đã được cấp thêm hạn mức tín dụng trên cơ sở năng lực của từng ngân hàng.

Về phía cơ quan quản lý, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021. Thực tế, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng trong quý IV/2021, với mức tăng từ 1-6% tùy từng nhà băng. Trong đó, TPBank là ngân hàng được cấp room tín dụng cao nhất ở mức 23,4% cho năm 2021, tăng so với mức 17,4% hồi đầu năm. Ngoài TPBank, còn 3 ngân hàng cũng được giao tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBBank (21%), một số ngân hàng khác cũng được nới room tín dụng như VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%)... Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng giữ lãi suất cho vay ổn định ở mặt bằng thấp, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong mùa cao điểm cận tết.

Theo cập nhật mới nhất của bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 8,4%). Như vậy, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng ra nền kinh tế, gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm tháng 8 và 9.

Nhìn chung, nền kinh tế dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và các kỳ vọng đưa ra, tăng trưởng tín dụng năm 2021 dự báo đạt khoảng 13% - phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng gần đây từ Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank cho biết, cầu vốn của khách hàng tăng dần sau giãn cách xã hội, nên nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ không tăng trong tháng cuối năm nay để kích thích nhu cầu vay vốn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch, nhưng bước sang đầu năm tới khả năng sẽ có sự điều chỉnh. Dù vậy, các ngân hàng vẫn sẽ đảm bảo duy trì mức lãi vay hợp lý nhằm hỗ trợ khách hàng ổn định sản xuất - kinh doanh trong “bình thường mới”.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12% và có thể điều chỉnh linh hoạt với diễn biến thực tế. Thực tế, trong 2 năm qua, hoạt động cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm gần 25 tỷ USD ngoại tệ trong 2 năm qua, tương ứng với lượng tiền đồng bơm ra nền kinh tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng cần vốn. Đáng chú ý, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2 điểm phần trăm và phát tín hiệu điều hành lãi suất theo hướng đi xuống. Hiện tại, lãi suất huy động đã giảm 1,5 điểm phần trăm, còn lãi suất cho vay giảm 1,77 điểm phần trăm so với đầu năm 2020.

Tin bài liên quan