TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Lãi suất vay trung dài hạn có tăng, cũng chỉ thêm khoảng 1%/năm so với hiện nay

(ĐTCK) Trong một góc nhìn rộng hơn thị trường bất động sản, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN là cần thiết với các ngân hàng.

Đánh giá của ông như thế nào về dự thảo sửa đổi Thông tư 36, trong đó siết tín dụng bất động sản?

Việc siết lại nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cho vay bất động sản, ngoài ra còn tác động đến nguồn vốn trung, dài hạn dành cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nhưng theo tôi, việc siết lại này là cần thiết.

Việc ngân hàng dùng tỷ lệ vốn ngắn hạn quá lớn để cho vay trung, dài hạn sẽ tạo rủi ro thanh khoản. Chẳng hạn, nếu ngân hàng có 10 đồng vốn, nhưng dùng 6 đồng vốn để cho vay trung, dài hạn (trong 2-15 năm). Trong khi, 6 đồng vốn đó chủ yếu là huy động kỳ hạn ngắn từ 3-6 tháng.

Như vậy, khi khách hàng tiết kiệm có nhu cầu rút 6 đồng vốn ngắn hạn đó thì buộc ngân hàng phải đi vay nơi khác (từ ngân hàng khác hoặc huy động từ dân cư) để lấy nguồn tiền mới trả cho tiết kiệm cũ. Trong trường hợp bình thường thì không vấn đề, nhưng khi hệ thống đang khó khăn huy động thì lãi suất sẽ đẩy lên cao, ngân hàng sẽ bị lỗ hoặc thậm chí không huy động tiền mới được để trả được tiền người rút tiền, tức là mất thanh khoản. 

Nhưng thị trường đang phản ứng về việc khi NHNN muốn đẩy cho vay thì nới rất mạnh lên 60% như hiện nay, giờ lại siết rất mạnh xuống 40%, như vậy là phi kinh tế bởi tỷ lệ giảm quá lớn và trong thời gian quá ngắn. Ngay như Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất cũng chỉ nhích từng bước một?

Con số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiện tại không đến 60% như bạn nói. Hiện trong toàn hệ thống ngân hàng, tỷ lệ này đâu đó khoảng 45-50%, như vậy, nếu rút xuống 40% là không phải quá sốc. Tất nhiên, việc giảm chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến tín dụng và khách hàng, nhất là các doanh nghiệp và người mua nhà thường có khoản vay trung dài hạn. Nhưng tôi cho rằng, trong “cái khó sẽ ló cái khôn”, tức các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại phương án kinh doanh, sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng hiệu quả cũng như tận dụng tối đa nguồn vốn tự có.

Mặt khác, Chính phủ có thể đẩy mạnh hơn việc phát triển thị trường vốn để giúp các doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động vốn… thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn vay của ngân hàng như hiện nay, với lãi suất không rẻ so với các nước trong khu vực. 

Vậy còn người mua nhà như ông đề cập, họ không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán hay phát hành trái phiếu như doanh nghiệp. Nếu nguồn vốn cho vay mua nhà bị siết lại, tức là lãi suất sẽ tăng, chắc chắn có không ít người không thể tiếp cận vốn vay cho nhu cầu mua nhà của mình?

Điều đó là khó tránh khỏi. Bởi hai quy định trực tiếp “siết” lại tín dụng ở lĩnh vực này chính là giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40%, thứ hai là tăng hệ số rủi ro về các khoản phải đòi bất động sản từ 150% lên 250%.

Một ví dụ đơn giản thế này, một ngân hàng huy động 100 đồng vốn và tỷ lệ an toàn vốn là 9% (tức là ngân hàng có 9 đồng trong đó - pv), nếu hệ số rủi ro là 100% thì có thể cho vay ra 100 đồng đối với tín dụng bất động sản. Nhưng nếu hệ số rủi ro tăng lên 150%, ngân hàng chỉ có thể cho vay ra bất động sản 67 đồng. Tuy nhiên, với dự thảo sửa đổi Thông tư 36 hệ số rủi ro về các khoản phải đòi bất động sản tăng lên 250% thì ngân hàng chỉ có thể cho vay ra được 47 đồng.

Để có thể cho vay ra nhiều hơn buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ (tăng tỷ lệ an toàn vốn), còn không sẽ phải giảm nguồn vốn cho vay ra mới có thể đảm bảo được quy định trên. Đó là chưa nói đến việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% cũng sẽ kéo dư nợ trung, dài hạn giảm đáng kể, trong đó phải kể đến là dư nợ bất động sản. 

Vậy ông dự đoán lãi suất cho vay bất động sản thời gian tới nếu áp quy định mới sẽ thêm mức khoảng bao nhiêu?

Tín dụng siết lại thì lãi suất đầu ra có thể tăng. Đầu tiên, nếu nhu cầu vay vẫn như cũ sẽ khiến ngân hàng phải nâng lãi suất huy động trung dài hạn để khuyến khích người dân gửi tiền dài hạn, khi đó lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất cho vay sẽ tăng.

Tuy nhiên, theo các phân tích của tôi, với thực tế cung cầu vốn và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế như hiện tại thì lãi suất cho vay sẽ chỉ tăng nhẹ, cộng thêm mức khoảng 1%/năm và khó đột biến.

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh về tín dụng như hiện tại cũng buộc các ngân hàng phải cân nhắc khi tăng lãi suất cho vay. Đồng thời, lãi suất nếu tăng cũng phải có thời gian, chưa thể tăng ngay trong quý I/2016.

Tin bài liên quan