Lãi suất vay tiêu dùng lên tới... 90%/năm

Người tiêu dùng phải nghiên cứu kỹ hợp đồng để tránh “sập bẫy” lãi vay cắt cổ trong những điều khoản “ẩn”.

Trên thực tế, nhiều công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng với lãi suất có thể tới 90%/năm

Trên thực tế, nhiều công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng với lãi suất có thể tới 90%/năm

Lãi suất cho vay  85%/năm vẫn là hợp pháp?

Cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây và là lĩnh vực béo bở, mang lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng, công ty tài chính.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng khẳng định: “Cho vay tiêu dùng là lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam, bởi lĩnh vực này mới chiếm 6% tổng dư nợ tín dụng nước ta, trong khi ở các nước khác là 15 - 20%”.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng cảnh báo, người dân trước khi vay cần phải nghiên cứu kỹ hợp đồng.

Hiện tại, các ngân hàng, công ty tài chính đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, đến tận các siêu thị, cửa hàng để mời chào vay vốn, đáp ứng nhu cầu mua hàng tiêu dùng trả góp tăng mạnh dịp cuối năm của người dân, với điều kiện vay vô cũng dễ dãi, không cần tài sản thế chấp. Thế nhưng, ẩn trong những hợp đồng cho vay dễ tính là những “bẫy” lãi suất và phí phạt tinh vi.

Phản ánh với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, chị H.T cho biết, tháng 9/2014, chị ký hợp đồng vay 10 triệu đồng với một công ty tài chính để mua máy tính. Ngay từ đầu, chị đã thắc mắc khi nhân viên tư vấn cho biết, lãi vay là 2%/tháng, mà hợp đồng lại ghi là “lãi suất cao nhất là 5%/tháng”. Trả lời thắc mắc của chị, nhân viên của công ty đó giải thích rằng, đây chỉ là mức lãi suất “cao nhất” phòng trường hợp thị trường biến động. Thế nhưng, đến khi thanh toán, chị T mới ngã ngửa vì toàn bộ tiền lãi các tháng đều được Công ty tính với lãi suất 5%/tháng.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, rất nhiều công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng với lãi suất 20 - 90%/năm. Tuy nhiên, cách tính lãi suất được quy định trong hợp đồng tài chính nhiều khi không rõ ràng, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện.

Nâng cao kiến thức về tài chính để tránh mắc bẫy lãi cao

Dù phải vay vốn với lãi suất cắt cổ, song người dân lại rất khó kiện bên cho vay. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi vay tối đa không được quá 150% lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, 4 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không công bố lãi suất cơ bản mới. Thêm vào đó, năm 2010, NHNN có Thông tư 12/2010/TT-NHNN của NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay theo lãi suất thỏa thuận.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến của người dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất, lãi vay tối đa là 200% lãi suất cơ bản do NHNN công bố (thay vì 150%). Tuy nhiên, các chuyên gia và luật sư cho rằng, quy định trên không có ý nghĩa.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, mức lãi suất cơ bản mà NHNN công bố năm 2010 là 9%/năm, có nghĩa lãi vay không được quá 13,5%, song thực tế, lãi vay tín chấp của các ngân hàng, công ty tài chính có thể lên tới 50%/năm, nghĩa là gấp 5,5 lần lãi suất cơ bản hiện hành. “Do đó, nếu nâng “trần” lãi vay lên mức 200% lãi suất cơ bản thì cũng không mấy ý nghĩa”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, NHNN đã cho vay thỏa thuận, quy định này mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự, nên các cơ quan chức năng cũng cần phải thống nhất về đối tượng và phải đưa ra quy định về trần lãi vay tiêu dùng.

Trong khi lãi vay tiêu dùng đang bị thả nổi, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là phải giáo dục, nâng cao kiến thức về tài chính cho người dân, để người dân có thể bảo vệ chính mình.

“Có một hiện tượng khá phổ biến là, khi ra tòa, nhiều khách vay cho biết, họ không rõ hợp đồng như thế nào. Rõ ràng, đây là lỗi của người vay do không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Bởi vậy, cần phải giáo dục để người dân hiểu biết hơn về dịch vụ tài chính - ngân hàng, ít nhất là hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình và của ngân hàng. Theo tôi, cần phải đưa quản lý tài chính cá nhân thành một môn học”, TS. Lực nói.

Tin bài liên quan