Lãi suất khó giảm thêm khi áp lực lạm phát tăng mạnh. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất khó giảm thêm khi áp lực lạm phát tăng mạnh. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất và sức ép hai chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất đang cần hạ thêm để hỗ trợ phục hồi kinh tế, song nỗi lo lạm phát tăng cao khiến lãi suất rơi vào thế giằng co.

Hỗ trợ lãi suất trước sức ép lạm phát

Tuần qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, liên quan đến chính sách tài khoá, thuế suất thuế giá trị gia tăng năm 2022 sẽ giảm 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức 10% (về còn 8%); tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong năm 2022 và 2023.

Bên cạnh đó, sử dụng khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Đồng thời, tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm…

Ngoài ra, áp dụng các chính sách khác để thực hiện Chương trình tập trung trong năm 2022 và 2023, bao gồm sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng 1.000 tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

Điểm đáng chú ý, để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phát triển kinh tế, Nghị quyết nêu rõ: “Cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỷ đồng), trong đó: Năm 2022 tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102.800 tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định”.

Trong một tương quan khác, liên quan đến chính sách tiền tệ, Nghị quyết nêu rõ: “NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%/năm trong năm 2022 và 2023, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên”

Đây là những thông tin tích cực đối với nền kinh tế trong những ngày cuối năm Tân Sửu chuẩn bị chào đón năm mới Nhâm Dần. Tuy nhiên, áp lực lạm phát cũng được dự báo sẽ gia tăng đáng kể trong năm 2022 cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng. Ngoài ra, giá thực phẩm và giá dịch vụ công sẽ chịu áp lực tăng trở lại so với năm 2021…

“Tuy nhiên, với nền tảng là các cân đối tài khóa ở mức khá an toàn, tỷ giá ổn định và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những năm gần đây, chúng tôi kỳ vọng lạm phát vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát, dự báo ở quanh mức 3,5% trong năm 2022”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định.

Cho dù lạc quan lạm phát trong nước có thể không tăng mạnh, nhưng lạm phát thế giới tăng thì vẫn hiển hiện. Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cùng với giá năng lượng cao hơn đã đẩy lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát gần đây trên toàn cầu, đặc biệt ở những nước như Anh, Mỹ. Điều này khiến các nhà đầu tư toàn cầu bất an vì tin là các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải tăng lãi suất sớm để kìm chế giá cả tăng vọt.

Vị lãnh đạo BIDV nhận định: “Chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ chuyển dịch từ trạng thái nới lỏng sang thắt chặt trong năm 2022. Trong quá khứ, những đợt chuyển trạng thái từ nới lỏng sang thắt chặt thường mang đến xáo trộn nhất định cho thị trường quốc tế, đặc biệt đối với các nền kinh tế nhạy cảm với lãi suất của Fed như các quốc gia mới nổi (EM)”.

Cũng trong diễn biến có liên quan, lãi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 1,7%/năm vào cuối tuần qua, trong khi tại Việt Nam là 2,2%/năm (khoảng cách trước đây khoảng 2%/năm) và điều này sẽ tạo nên áp lực tăng lãi suất ở Việt Nam.

Cơ quan quản lý ở thế khó

Tuần cuối cùng của năm 2021, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm 0,39 điểm phần trăm xuống mức 0,73%/năm, trong khi kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần tiếp tục tăng lần lượt 0,12 và 0,43 điểm phần trăm lên tương ứng 1,93%/năm và 2,16%/năm. Theo kinh nghiệm thị trường, yếu tố mùa vụ trong dịp mua sắm và thanh toán sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhiều khả năng khiến cho lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn tăng nhanh trong tuần vừa qua.

Khảo sát thực tế cho thấy, lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 12/2021 đối với cả 2 kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình lãi suất huy động 2 kỳ hạn này tăng nhẹ tương ứng 0,05 và 0,04 điểm phần trăm lên mức 4,76%/năm và 5,55%/năm vào cuối tháng 12. Mặc dù vậy, so với cuối năm 2020, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng tính tới cuối năm 2021 đã giảm lần lượt 0,27 và 0,28 điểm phần trăm.

Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối không điều chỉnh lãi suất trong tháng 12/2021. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) và quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) cùng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng 12/2021 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Cụ thể, với kỳ hạn 6 tháng, 2 nhóm ngân hàng này tăng lần lượt 0,07 và 0,05 điểm phần trăm lên mức 5,48%/năm và 4,47%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng tăng lần lượt là 0,04 và 0,06 điểm phần trăm lên mức 6,06%/năm và 5,31%/năm.

Chỉ số lạm phát của Việt Nam đạt 1,84% trong năm 2021, mức thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022, áp lực lạm phát lớn dần khi giá nhiều loại nguyên vật liệu có xu hướng tăng mạnh, cùng với triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến NHNN phải tăng lãi suất điều hành.

“Tuy nhiên, NHNN có thể sẽ tăng lãi suất huy động ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19. Dù vậy, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh mức 0,25-0,5 điểm phần trăm), nhất là trong nửa cuối của năm 2022”, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.

Điểm đáng chú ý, một số nút thắt đối với dòng chảy tiền đồng dự kiến vẫn chưa thể hoàn toàn khơi thông trong năm 2022 như sự phân hóa không đồng đều về thanh khoản giữa các ngân hàng thương mại hay giải ngân đầu tư công còn nhiều khó khăn, khiến cho dòng tiền bị ứ đọng ở kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại NHNN, thay vì được bơm ra nền kinh tế. Ngoài ra, cân đối huy động - cho vay dự kiến chưa có nhiều cải thiện do hoạt động tín dụng được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2022, khi nhu cầu vay gia tăng cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và các chính sách kích thích hỗ trợ tín dụng của NHNN.

Ngoài ra, việc NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 13-14% trong năm 2022 và cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn khoảng 1-2% cũng là yếu tố khiến lãi suất thị trường 1 (khu vực dân cư và tổ chức) có thể chịu áp lực tăng nhẹ, sau khi chứng kiến xu hướng giảm trong 2 năm trước đó.

“Yếu tố tác động mạnh nhất tới triển vọng lãi suất năm 2022 có lẽ là cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, bởi nếu cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục có xu hướng thặng dư ở mức cao trong phần lớn thời gian của năm như những năm gần đây thì dòng tiền sẽ vẫn bị hút mạnh về kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại NHNN và áp lực tăng lãi suất cũng sẽ mạnh lên”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.

Tin bài liên quan