Giảm chi phí đầu vào...
Lý giải về việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng cho hay, thanh khoản đang dư thừa, trong khi cầu tín dụng chưa cao, vì thế, chi phí đầu vào là bài toán được ngân hàng tính kỹ đế giảm lãi vay.
Cụ thể, SeABank, PGBank, GPBank, Kienlongbank, OCB DongABank, VietABank... là những ngân hàng đã giảm lãi suất từ 0,05 - 0,3 điểm phần trăm trong tuần thứ 2 của tháng 3/2021.
Trong đó, DongA Bank giảm 0,2 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn.
Cụ thể, DongA Bank áp dụng kỳ hạn 1 - 3 tháng ở mức 3,4%/năm kể từ ngày 8/3. Kỳ hạn 6 tháng là 5,3%/năm và cao nhất là 6,21% cho kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ.
SeABank dưới 6 tháng áp dụng từ 3,5-3,6%/năm, nhưng mức lãi suất cao nhất cũng chỉ 6,25%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng.
Trong khi đó, OCB giữ nguyên lãi suất kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống nhưng giảm 0,2 điểm phần trăm với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Nhìn chung trong tuần từ 8 - 15/3, gần chục nhà băng thay đổi lãi suất tiết kiệm. Trong đó, phần lớn ngân hàng giảm từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở Nam A Bank áp dụng từ 22/2 cho kỳ hạn từ 1 đến tháng là 3,95%/năm; cao nhất là 6,7%/năm được Nam A Bank áp dụng kỳ hạn 18-29 tháng.
Riêng Sacombank là trường hợp duy nhất tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn trong thời gian nói trên. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm còn kỳ hạn từ 3 tháng trở lên tăng 0,2 điểm phần trăm.
Trước đó không lâu, VPBank cũng có xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm từ tháng 3/2021, nhưng VPBank vẫn giữ nguyên mức lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng trở lên, chỉ tăng lãi huy động ở các kỳ hạn 2-5 tháng, mức tăng phổ biến là 0,2 điểm phần trăm.
Hay tại Techcombank cũng tăng nhẹ lãi suất. Tuy nhiên, do nhiều tháng qua, nhà băng luôn duy trì mức lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn thấp nhất trên thị trường ở nhóm ngân hàng TMCP sau Big 4. Vì thế, từ đầu tháng 3, Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn, phổ biến cao hơn 0,4 - 0,7 điểm phần trăm.
Còn nhóm ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV vẫn giữ nguyên biểu lãi suất huy động trong tháng 3/2021 so với tháng 2.
Hiện Kienlongbank - nhà băng duy nhất còn trả lãi trên 7 - 7,1%/năm cho khoản tiền gửi 1 năm kỳ hạn dưới 1 tỷ đồng, nay cũng hạ 0,15 - 0,3 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn.
Mức lãi suất cao nhất tại Kienlongbank là 7,2 - 7,3%/năm kỳ hạn 15 - 36 tháng khi gửi tiền trực tuyến.
Trên thị trường hiện nay cũng có một số ngân hàng huy động lãi suất tiền gửi trên 7%/năm nhưng dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi.
Chẳng hạn, SCB áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi 7,6%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Thế nhưng điều kiện để tham gia mức lãi suất cao này áp dụng cho món tiền từ 500 tỷ đồng trở lên.
... Để hạ lãi suất cho vay
Các nhận định đưa ra, mặt bằng lãi suất năm 2021 sẻ ổn định ở mức thấp là điều kiện để kích cầu tín dụng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, ngân hàng đưa ra nhận định, lãi suất cho vay khó giảm sâu hoặc có giảm khó giảm nhanh theo lãi suất huy động.
Đó cũng là lý do các ngân hàng đạt lợi nhuận cao năm qua, do NIM (biên lãi ròng) tăng cao khi lãi huy động giảm, lãi suất cho vay giảm không theo kịp lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh được vốn cho vay các ngân hàng khó tăng lãi suất.
Trước động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất đầu vào chỉ mang tính cục bộ ở một vài ngân hàng, không phải xu hướng chung của thị trường.
Bởi hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp. Các ngân hàng đang tiết giảm chi phí đầu vào để giảm được lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng.
Trước đó, ngay trong tuần đầu sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới đối với khách hàng của ngân hàng này trong thời gian ba tháng kể từ ngày 22/2-22/5/2021.
Theo đó, đối với khách hàng là doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank cũng giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng này, tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt này là 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 350.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% dư nợ của Vietcombank.
HDBank cũng triển khai các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu, trong đó lãi suất thấp nhất là 3%/năm đối với các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ đang thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh…
Chủ trương NHNN đưa ra, lãi suất tiết kiệm hiện thấp kỷ lục là cơ hội giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, không phải lúc để ngân hàng hưởng lợi.
Theo Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú, sắp tới, chương trình thanh tra của NHNN cũng sẽ lấy chỉ tiêu giảm lãi suất là một yếu tố đánh giá ngân hàng làm tốt hay chưa. Phó thống đốc nhấn mạnh, các ngân hàng cần chủ động xem xét lại khoản vay cũ để điều chỉnh lãi thấp hơn.
Đầu tháng 3/2021, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới...
Có thể nói, giảm thêm lãi suất cho vay là kỳ vọng cũng như mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế, để giảm thêm lãi suất cho vay, thì một trong những yếu tố quan trọng là mặt bằng lãi suất huy động phải giảm sâu hơn.
Song lãi suất huy động phải bảo đảm thực dương so với lạm phát mới có thể hấp dẫn được người gửi tiền. Lạm phát năm nay được cho là trong tầm kiểm soát 4%.