Lãi suất tiết kiệm bật tăng cuối năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất tiền gửi huy động vốn cho vay.
Lãi suất tiết kiệm bật tăng cuối năm 2021

Lãi suất tiết kiệm bật tăng

Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng của nhiều ngân hàng tăng từ 0,1 - 0,5%/năm gần đây.

Cụ thể, GPBank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ ngày 8/12/2021 ghi nhận mức tăng đồng loạt 0,3% so với tháng 11 ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Techcombank công bố biểu lãi suất huy động vốn khách hàng cá nhân mới nhất áp dụng từ ngày 15/12 tăng 0,25 - 0,4% so với tháng trước ở tất cả kỳ hạn.

Tương tự, SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Eximbank tăng 0,1 - 0,3%/năm; OCB tăng 0,2%/năm.

Nhưng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank, với mức 7,4%/năm cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến.

Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 12 tháng cũng là Nam A Bank với mức 7,2%/năm. Xếp thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng cao nhất là SCB với mức lãi suất 7,15%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Lãi suất liên ngân hàng trong tuần 15/11 – 22/12 cũng đồng loạt tăng mạnh, cụ thể các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần ghi nhận các mức tăng mạnh lần lượt lên 1,34%, 1,49% và 1,65%.

Còn tại các kỳ hạn dài như 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tăng lần lượt lên 2,9%, lên 3,05% và 3,37%.

Lãi suất tiền gửi đang tăng dần về cuối năm và theo nhận định của giới phân tích, điều này hoàn toàn phù hợp. Bởi nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế.

Do đó, việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài khiến tiền gửi tiết kiệm sụt giảm mạnh.

Số liệu công bố mới đây của NHNN cho thấy, kênh tiền gửi ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn khi tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng gần như đi ngang kể từ tháng 2/2021.

Thậm chí, trong tháng 8 và 9 vừa qua, tiền gửi của người dân đã liên tiếp sụt giảm. Cụ thể, tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong tháng 9/2021 đạt hơn 5,291 triệu tỷ đồng, giảm 1.473 tỷ đồng so với tháng 8, và giảm tới 2.459 tỷ đồng so với tháng 7/2021.

Các chuyên gia phân tích SSI cũng đưa ra nhận định, lãi suất tiền gửi tăng gần đây đến từ việc các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm về thanh toán và cầu tín dụng tăng cuối năm. Điều này đã phần nào khiến thanh khoản trên hệ thống tạm thời căng thẳng.

Số liệu NHNN vừa đưa ra, từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%).

Như vậy, chỉ trong tháng 11/2021, các ngân hàng đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường, gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (tháng 8 và 9).

Riêng trên địa bàn TP.HCM, tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn so với tháng trước, tăng trên 2% so với tháng 10/2021. Như vậy, tín dụng của các ngân hàng tại TP.HCM tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp (sau khi giảm 0,67% trong tháng 9/2021).

Gửi tiết kiệm lãi suất thực dương

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2021 tăng 0,32% so với tháng trước. Bình quân chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm nay thấp do giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,11 điểm phần trăm.

Lạm phát Việt Nam năm 2021 được kiểm soát ở mức khoảng 2%, trong khi đó lãi suất huy động bằng VND đang được các ngân hàng áp dụng mức khoảng mức 4-6%/năm nên thực tế khách hàng gửi tiết kiệm tiền đồng ở ngân hàng vẫn hưởng lãi suất thực dương.

Theo lãnh đạo UOB Việt Nam, với bối cảnh lạm phát tương đối lành tính và triển vọng không chắc chắn do biến thể Omicron mới xuất hiện ngay khi đất nước lấy lại vị thế sau làn sóng lây nhiễm vừa qua, NHNN có khả năng sẽ giữ ổn định chính sách của mình để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi.

"Với kỳ vọng tình hình sẽ được quản lý tốt giống như đã từng xảy ra trước đây, nên cả lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5% sẽ vẫn giữ ở mức thấp kỷ lục ở thời điểm hiện tại", lãnh đạo UOB nhận định.

Giới phân tích tài chính cho rằng, nếu so với lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3% thì với mặt bằng lãi suất trên, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương.

Tuy nhiên, nếu áp lực lạm phát năm tới, thêm vào đó thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn hút tiền nhàn rỗi… Vì thế, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ dần nhích tăng vào cuối năm 2021 và quý I/20222.

Tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận rằng, lãi tiết kiệm giảm thời gian qua, trong khi các kênh đầu tư khác, nhất là chứng khoán tăng khiến tiền gửi tiết kiệm sụt giảm. Vì thế, ngân hàng phải điều chỉnh tái tăng lãi suất huy động vốn nhàn rỗi đáp ứng cầu vốn tăng cuối năm.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ nhận định rằng, so với lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát ở mức thấp, gửi tiết kiệm ngân hàng, người dân vẫn được hưởng lãi suất thực dương.

Do đó, dư địa để giảm lãi suất cho vay vẫn còn. Tuy nhiên, ông Lịch cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) khó có thể giảm sâu trong thời gian tới.

Các ngân hàng vẫn tích cực đưa vốn rẻ ra thị trường kích cầu tín dụng trong mùa cao điểm cuối năm 2021. Tại Nam A Bank giảm lãi vay còn 5,99%/năm cho khoản vay hiện hữu, nhằm giảm áp lực tài chính cho khách hàng.

Từ nay đến hết năm 2021, Nam A Bank dành hạn mức 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục Covid, lãi suất từ 6,5%/năm.

ACB sẽ dành nguồn vốn vay 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 5%/năm để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian gặp khó khăn vì dịch...

Các chuyên gia phân tích SSI đưa ra đánh giá, dù ngân hàng chạy đua thanh khoản cuối năm để đáp ứng cầu vốn tăng, song có nhiều yếu tố hỗ trợ duy trì mặt bằng lãi suất thấp từ nay tới cuối năm 2021 như: quan điểm nới lỏng tiền tệ của NHNN, nguồn ngoại tệ, kiều hối tăng trưởng tốt, lạm phát kiểm soát thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào...

Tin bài liên quan