Lãi suất tiền gửi tiết kiệm bắt đầu nhích nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng tăng, nguồn tiền chảy mạnh vào chứng khoán khiến tốc độ tăng trưởng huy động vốn của nhà băng 6 tháng đầu năm chỉ cao hơn phân nửa so với tăng trưởng tín dụng, buộc ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. 
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm bắt đầu nhích nhẹ

Ngân hàng điều chỉnh lãi suất

VIB vừa đồng loạt nâng lãi suất mọi kỳ hạn với biên độ điều chỉnh là 0,1 điểm phần trăm so với đầu tháng 6.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 - 5 tháng dao động từ 3,6 - 3,7%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 - 11 tháng dao động từ 5,3 - 5,5%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 15 - 36 tháng từ mức 5,9 - 6,3%/năm. Tuy nhiên, trong biểu lãi suất mới của VIB không bao gồm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng.

SHB cũng tăng lãi suất tiền gửi tại hầu hết kỳ hạn từ giữa tháng 6/2021, với mức điều chỉnh từ 0,1- 0,2 điểm phần trăm.

Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1- 5 tháng từ 3,6 - 4%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng từ 5,4 - 5,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên từ 5,4 - 6,4%/năm...

Trong khi đó, Nam A Bank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn duy nhất 12 tháng từ 6,1%/năm lên 6,2%/năm kể từ ngày 22/6.

Không chỉ các nhà băng trên, mà các nhà băng lớn cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, Vietcombank vừa tăng lãi suất huy động tiết kiệm 0,2%/năm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng lên 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng lên 3,4%/năm, 6 tháng là 4%/năm, 12 tháng là 5,5%/năm.

Vietcombank là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống, nhưng việc điều chỉnh tăng lần này đã lên ngang bằng với các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, một số ngân hàng lại giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Cụ thể, Sacombank mới đây giảm lãi suất huy động 0,2%/năm, kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3%/năm, 3 tháng còn 3,4%/năm, 6 tháng còn 4,8%/năm, 12 tháng còn 5,5%/năm…

VPBank cũng giảm nhẹ lãi suất huy động 0,1%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 3 - 3,4%/năm, 3 tháng từ 3,6 - 4%/năm dành cho khách hàng gửi trên 50 tỷ đồng qua kênh online...

Tuy nhiên, lãi suất ở các kỳ hạn trên 6 tháng của nhà băng này lại tăng trên 0,2%/năm như 6 tháng lên 4,5 - 5%/năm, 12 tháng lên 6 - 6,5%/năm…

Eximbank đã giảm 0,1 điểm phần trăm đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng kể từ 18/6. Tùy vào hình thức nhận lãi, khách hàng sẽ nhận được lãi suất từ 5,7 - 6,1%/năm.

Sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm nửa cuối năm

SSI Research vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 21 - 25/6, đề cập thị trường mở không có giao dịch mới, lãi suất trên liên ngân hàng nhích nhẹ, chốt tuần ở mức 1,227%/năm (tăng 9 điểm cơ bản) với kỳ hạn qua đêm và 1,366%/năm (tăng 3 điểm cơ bản) với kỳ hạn 1 tuần.

Các ngân hàng thương mại hạn chế cung nguồn VND khi thời điểm cuối quý đang đến gần có thể khiến lãi suất liên ngân hàng tiếp tục nhích lên trong tuần.

SSI cho rằng, môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi và tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp. Theo nhóm phân tích, lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021 với mức tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa đưa ra cũng cho thấy, tính đến 21/6, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến thời điểm trên đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%).

Theo đánh giá của SSI Research, tăng trưởng tín dụng đang khá mạnh, nếu các ngân hàng được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tuần này, thì tăng trưởng nửa đầu năm 2021 có thể ở mức 6%.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối năm nay. Lý do là vì các ngân hàng thương mại hạn chế cung nguồn VND vào thời gian cuối quý có thể khiến lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt. NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt.

Về điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.

Tín dụng toàn ngành kinh tế theo số liệu của NHNN đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%), đồng nghĩa với các TCTD đã bơm ra nền kinh tế khoảng 469.000 tỷ đồng – cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tăng trưởng tín dụng đang khá mạnh, nếu các NHTM được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tuần này, tăng trưởng nửa đầu năm 2021 có thể ở mức 6%.

Tin bài liên quan