Lãi suất tăng - giảm trái chiều, ngân hàng nhỏ “căng” thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi ở một số ngân hàng bắt đầu tăng nhẹ, nhưng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ.
Hiện nay, chỉ một số ít ngân hàng như Agribank, Vietcombank duy trì tỷ lệ LDR ở mức 83 - 85%.

Hiện nay, chỉ một số ít ngân hàng như Agribank, Vietcombank duy trì tỷ lệ LDR ở mức 83 - 85%.

Một số ngân hàng nhỏ tiến dần đến giới hạn cho vay

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trở lại từ cuối tháng 4/2021 đến nay, với mức tăng 0,3 - 0,5%/năm. Chỉ tính riêng 3 tuần đầu tháng 5/2021, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 1,13%/năm lên 1,23%/năm, quy mô giao dịch tăng từ gần 114.000 tỷ đồng/ngày trong tuần đầu tháng 5 lên 122.000 tỷ đồng/ngày vào tuần thứ ba.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, lãi suất liên ngân hàng tăng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ, còn tại các ngân hàng lớn, thanh khoản vẫn dồi dào, ổn định. Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ so với những tháng đầu năm là hợp lý, bởi mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trước đây quá thấp (dưới 1%).

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, tín dụng tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2020 đến nay khiến một số ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng cho vay chạm trần về Chỉ số Cho vay/huy động (LDR).

“Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định, tỷ lệ LDR tối đa của các ngân hàng thương mại là 85%, tức huy động được 100 đồng, thì chỉ được cho vay 85 đồng. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ LDR của nhiều ngân hàng đã vượt 100%”, vị này nói.

Theo khảo sát chưa đầy đủ của phóng viên Báo Đầu tư, hiện nay, chỉ một số ít ngân hàng (Agribank, Vietcombank) duy trì tỷ lệ LDR ở mức 83 - 85%. Trong quý I/2021, tỷ lệ LDR của các ngân hàng tăng mạnh so với cuối năm 2020 do tín dụng khởi sắc trở lại, phần lớn ngân hàng có mức LDR ngấp nghé hoặc vượt 100%.

LDR tăng đồng nghĩa, thanh khoản của các ngân hàng bớt dồi dào hơn trước. Có thể thấy rõ điều này qua số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN): tín dụng quý I/2021 tăng tới 2,93%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 0,5%. Tuy nhiên, ngoại trừ một số ngân hàng nhỏ có tình trạng “căng” thanh khoản, LDR tăng chưa hẳn là chỉ số “cảnh báo” về thanh khoản của ngân hàng.

Lãnh đạo một số ngân hàng lớn cho hay, năm nay, các ngân hàng chủ trương không tăng mạnh huy động để cải thiện chỉ số LDR (ở mức quá thấp trong năm 2020), nhằm tăng hiệu quả kinh doanh.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, dù dẫn đầu quy mô tín dụng, song thanh khoản tại Vietcombank đang rất dồi dào. Do dư thừa nguồn vốn, để tăng hiệu quả kinh doanh, lãnh đạo ngân hàng này đề ra kế hoạch không tăng trưởng nguồn vốn huy động và duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp hơn các ngân hàng khác khoảng 0,2%.

Tăng lãi suất khó thành xu hướng, nhưng thời kỳ tiền rẻ đã hết

Lãi suất huy động trên thị trường hai tuần qua cũng có biến động. Từ giữa tháng 5/2021 đến nay, một loạt ngân hàng thương mại lần lượt công bố áp dụng biểu lãi suất mới, theo cả hai chiều tăng và giảm.

SHB, Sacombank, TPBank tăng lãi 0,1 - 0,3%/năm tùy kỳ hạn. Techcombank, VPBank lại giảm nhẹ lãi suất nhiều kỳ hạn và tăng nhẹ lãi suất huy động một số kỳ hạn khác.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lãi suất tăng nhẹ là do thanh khoản của hệ thống không còn quá dư thừa như năm 2020, tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi huy động vốn không tăng cùng tốc độ. Bên cạnh đó, lãi suất huy động thấp thời gian qua cũng khiến một phần dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, bất động sản, khiến các ngân hàng phải có động thái tăng lãi suất trở lại.

Tuy nhiên, theo ông Lực, tăng lãi suất không phải là xu hướng, mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định trong vài quý tới và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm, nếu tín dụng tăng mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, kịch bản lãi suất tăng, nếu xảy ra, cũng phải cuối năm nay, trong trường hợp tín dụng tăng trở lại. Tuy nhiên, khả năng này hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, mức độ lạm phát, khả năng mở rộng tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Dù khả năng tăng lãi suất là không chắc chắn, nhưng các chuyên gia đều chung nhận định, khả năng lãi suất giảm là hầu như không có. “Theo tôi, giữ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là rất tốt”, ông Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, dù thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào so với thời điểm đầu năm, nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát. Vì vậy, lãi suất nhích lên là chưa đáng ngại.

Nhiều chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán cũng cho rằng, lãi suất liên ngân hàng không tăng do những tháng gần đây, NHNN không bơm tiền qua kênh OMO, nên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng chỉ tăng ở mức độ vừa phải. Nhiều khả năng, lãi suất liên ngân hàng sẽ đứng im hoặc hạ nhiệt trong những tháng tới, do NHNN sẽ bơm một lượng tiền ra để mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, cộng với tín dụng quý II/2021 bị chậm lại do yếu tố dịch bệnh.

Tin bài liên quan